Sự kiện đáng chú ý thứ hai đó là cuộc biểu tình phản đối người nhập cư của lực lượng cực hữu ở thị trấn Heidenau, miền Đông Đức khiến hơn 30 cảnh sát bị thương. Cuộc bạo động làm sống lại bóng ma của chủ nghĩa phát xít, bạo lực mà Đức đã từng chứng kiến trong những năm 1990 - thời kỳ làn sóng người xin tị nạn vào Đức tăng vọt. Những người dân tại thị trấn Heidenau sau đó đã gọi bà Merkel là “kẻ phản bội” khi nhà lãnh đạo này bày tỏ sự đoàn kết đối với những người nhập cư.
Tiếp đó, tới ngày 27/8, một xe tải có 71 thi thể người di cư được phát hiện bị bỏ lại trên một xa lộ ở Áo, vào đúng thời điểm bà Merkel tới thủ đô Vienna để tham dự một hội nghị về khu vực Tây Balkan. Ngay lập tức, bà Merkel đã mạnh mẽ lên án về thảm họa khủng khiếp này.
Thủ tướng Merkel có vẻ là người đã quen đối mặt với các khủng hoảng. Trong suốt 10 năm cầm quyền, vị nữ Thủ tướng này đã phải đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu, rồi tới cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, tất cả những biến động này vẫn cách xa biên giới nước Đức.
Nhưng lần này, bà không có may mắn như vậy, bởi vấn đề người di cư có ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các cộng đồng dân cư Đức. Tờ nhật báo “Tấm gương” nổi tiếng của Đức bình luận: “Trong suốt cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro, người dân có cảm giác rằng đó là vấn đề của các nước khác hơn là của chính nước Đức, vì nền kinh Đức vẫn trụ vững. Nay gánh nặng của vấn đề người nhập cư đã vào nhà chúng ta”. Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Merkel nắm quyền lực, nước Đức thực sự phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng.
Bất đồng chính trịTrong suốt 1 thập kỷ cầm quyền, “Người đàn bà thép” luôn giành được tình cảm và sự ủng hộ của người dân khi đưa nước Đức vượt qua được nhiều thách thức và khẳng định vị thế nền kinh tế số 1 châu Âu, cũng như tầm ảnh hưởng to lớn đối với các vấn đề quốc tế. Chẳng hạn như với cuộc khủng hoảng Ukraine và đồng euro, châu Âu đã xem Đức là người lãnh đạo và từng bước đi nhằm giải quyết khủng hoảng đã được bà Merkel triển khai chắc chắn, thận trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người nhập cư khác hẳn về quy mô và tính phức tạp. Đó là vấn đề vừa mang tính địa phương, vừa có tác động ở tầm quốc gia và toàn châu lục. Nó đòi hỏi một sự lãnh đạo chủ động, tập hợp được người dân – điều mà bà Merkel không phải lúc nào cũng thành công trong quá khứ. Bà đã cần 3 ngày để đưa ra phản ứng đầu tiên với các cuộc bạo động tại Heidenau. Điều này khiến bà phải hứng chịu nhiều chỉ trích và phần nào cho thấy sự lúng túng của Berlin trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Tới nay, từng thị trấn, thành phố của Đức phải tự tìm cách khắc phục các khó khăn trong cung cấp thực phẩm, nơi ở, dịch vụ y tế cho người tị nạn. Và phải tới tuần cuối tháng 8, nội các của bà Merkel mới nhất trí nâng mức hỗ trợ của liên bang cho các địa phương lên 1 tỷ euro để góp phần giải quyết gánh nặng này. Có nhiều ý kiến cho rằng con số này cần phải cao gấp 3 lần cùng với con số người nhập cư kỷ lục mà Đức đón nhận vào trong tháng 8. Dù vậy, theo tính toán của các chuyên gia, khoản tiền đó vẫn còn thấp hơn nhiều lần so với yêu cầu thực tế.
Cuộc khủng hoảng cũng đang đe dọa vị thế của đảng cầm quyền và cá nhân bà Merkel khi các đảng đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào tháng 3/2016 và bầu cử liên bang vào năm 2017, tại đó, bà Merkel dự kiến sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4. Những nhân vật thân cận của bà Merkel nhận định cuộc khủng hoảng nhập cư có thể là một “quả bom” đối với đảng của bà, mặc dù hiện đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền vẫn bỏ xa các đối thủ trong những cuộc thăm dò dư luận.
Vượt tầm kiểm soátDư luận Đức hiện rất lo ngại về cách thức đối phó với việc các lực lượng cực hữu chống lại làn sóng người nhập cư, bùng phát tại khu vực Đông Đức và một số bang Tây Đức như Bavaria, Baden-Wuerttemburg và Bắc Rhine Westphalia. Những vụ tấn công phá hoại này tới nay mới chủ yếu nhắm vào các tòa nhà trống dự kiến sẽ được dùng làm nơi trú ẩn tạm thời cho những người tị nạn, nhưng giới chính trị gia Đức thừa nhận sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi người tị nạn bị tấn công hoặc giết hại.
Viễn cảnh đó khiến người ta nhớ lại tình hình những năm đầu thập niên 90 khi những khu lán trại của người tị nạn bị tấn công. Sự manh động này có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Trong một giai đoạn dài thời hậu chiến, các chính trị gia Đức đã gọi những người nhập cư là "Gastarbeiter", hay “những vị khách”, vì họ có thể trở về nước mình sau khi đạt mục tiêu. Sự lo ngại này vẫn còn tồn tại tới nay trong bối cảnh Đức rất cần người nhập cư để đối phó với cuộc khủng hoảng về dân số do tỷ lệ sinh thấp ở nước này. Mục tiêu trọng tâm hiện nay của Đức đó là tiếp nhận những người nhập cư có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Rất nhiều người Syria, Kosovo, Eritreria và Iraq tới Đức lại không có được những kỹ năng như vậy.
Với bà Merkel, thách thức lớn nhất hiện nay đó là lái châu Âu hướng tới một chính sách chung về vấn đề tị nạn. Các chính trị gia Đức trong những ngày gần đây đã liên tục đăng đàn bày tỏ sự thất vọng đối với một số đối tác châu Âu trong việc không chấp nhận chia sẻ gánh nặng trước làn sóng người nhập cư. Họ lo ngại nếu không giải quyết được bài toán này, sự cởi mở của người Đức với người tị nạn sẽ nhanh chóng suy sụp. Chính vì vậy, trong một hội nghị giữa tháng 8 vừa qua, bà Merkel khẳng định vấn đề người tị nạn có thể sẽ là thách thức lớn tiếp theo đối với sự đoàn kết và hợp tác của châu Âu.