Người di cư tại khu vực biên giới Hungary - Croatia, gần làng Zakany của Hungary ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây sẽ con số lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay.
Nghiên cứu của OECD có tiêu đề “Bàn thảo chính sách di trú“ đã tập trung phân tích các xu hướng di cư mới nhất đang diễn ra và chính sách nhập cư của nhóm các nước công nghiệp phát triển là thành viên tổ chức này.
Theo OECD, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 700.000 người đệ đơn xin tị nạn tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và con số này vào thời điểm cuối năm sẽ lên đến 1 triệu người. Những con số này vượt xa mốc 630.000 người di cư xin tị nạn hồi năm 1992, khi xảy ra chiến tranh Bosnia.
Trước tình hình khủng hoảng tại hàng loạt nước như Syria, Libya, Afghanistan, OECD dự báo dòng người di cư quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
OECD cũng đánh giá cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay là chưa từng có tiền lệ đối với các nước phát triển. Việc người di cư ra đi từ các nước có hoàn cảnh khác nhau và vì nhiều lý do khác nhau là điều khiến cho việc xét các hồ sơ xin tị nạn trở nên đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu của OECD, trong năm 2014 có tới 24.000 trẻ em và thanh thiếu niên trong dòng người di cư, đối tượng chưa đủ tuổi để nộp đơn xin tị nạn, và con số này chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều trong năm nay.