Người di cư tới bãi biển Eftalou trên đảo Lesbos của Hy Lạp sau khi vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây gọi là kế hoạch tái định cư những người di cư đang tạm trú tại Hy Lạp, Italy và Hungary. Cuộc họp diễn ra sau thất bại của hội nghị tương tự với sự tham gia của các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ EU diễn ra hôm 14/9 vừa qua ở Brussels (Bỉ).
Trước khi diễn ra cuộc họp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã kêu gọi lãnh đạo 28 nước thành viên EU thể hiện "vai trò lãnh đạo và lòng trắc ẩn" của mình trong bối cảnh cả châu Âu đang phải "oằn mình" đối phó với dòng người di cư khổng lồ, hầu hết đến từ các quốc gia xung đột như Syria, Iraq. TTK Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi, khi mà nhiều nước châu Âu dựng hàng rào, đóng cửa biên giới, thiếu các cơ cơ sở tiếp nhận những người di cư và đặc biệt nhiều nước có những hành động đối xử khắc nghiệt đối với những người di cư khốn khổ.
Hiện nội bộ EU vẫn đang bất đồng sâu sắc về phương án chung ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi chục hàng nghìn người di cư bị đẩy từ biên giới nước này đến biên giới nước khác mà không có được một chính sách thống nhất. Cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU được chờ đợi sẽ có bước đột phá trước khi các nhà lãnh đạo của khối có hội nghị khẩn cấp vào ngày mai (23/9) để bàn về cuộc khủng hoảng này.
Kế hoạch phân bổ 120.000 người di cư mới tới các quốc gia thành viên EU theo cơ chế hạn ngạch đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các nước ở khu vực Đông Âu. Lãnh đạo các nước Hungary, Ba Lan, CH Séc, Látvia đã kiên quyết phản đối đề xuất trên, trong khi Romania, Slovakia cho rằng việc áp hạn ngạch phân bổ bắt buộc là việc làm mang tính quan liêu, độc đoán mà không có sự tham khảo ý kiến từ các thành viên.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư thế giới (IOM), kể từ đầu năm, gần 500.000 người đã bất chấp nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để tìm đường tới châu Âu, khoảng 3.000 người trong số đó đã thiệt mạng.