Đông Âu nỗ lực tìm kiếm đồng thuận về di cư

Bốn nước Đông Âu vốn phản đối hạn ngạch tiếp nhận người di cư của Liên minh châu Âu (EU), là Hungary, Ba Lan, CH Séc và Slovakia, đã khẳng định sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận với các nước Tây Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.


Ngoại trưởng CH Séc Lubomir Zaoralek. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 21/9, phát biểu sau các cuộc thảo luận với ba người đồng cấp Hungary, Ba Lan và Slovakia tại thủ đô Praha (CH Séc) một ngày trước khi EU họp Hội nghị bộ trưởng Nội vụ mở rộng khẩn cấp về vấn đề di cư, Ngoại trưởng Séc Lubomir Zaoralek tuyên bố bốn nước đều quyết tâm và nhận thức được rằng châu Âu cần thống nhất hành động để nhanh chóng tháo gỡ tình hình cấp bách hiện nay.

Các cuộc thảo luận ngày 21/9 của bốn nước Đông Âu nói trên còn có sự tham dự của Ngoại trưởng Latvia và Ngoại trưởng Luxembourg - nước đang giữ chức Chủ tịch EU luân phiên - được tổ chức nhằm bàn về những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ EU xung quanh việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư.

Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để đưa ra những đề xuất mà tất cả 28 nước thành viên EU đều có thể nhất trí trong Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề di cư ngày 23/9.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cứu vớt những người di cư ngoài khơi bờ biển Bodrum ngày 19/9. Ảnh: Reuters/TTXVN


* Cùng ngày, cảnh sát Pháp đã phải sử dụng hơi cay để giải tán khoảng 400 người, hầu hết là người tị nạn Syria, ngăn cản họ dựng các lều trại tạm bợ xung quanh thành phố cảng Calais, miền Bắc nước Pháp. Cảnh sát cũng đã bắt giam 3 đối tượng thuộc nhóm “Không Biên giới” điều hành việc dựng các lều trại nói trên, đồng thời phá dỡ 2 lán trại khác của người di cư từ Syria và châu Phi đóng tại đây từ một vài tháng qua.

Giới chức địa phương khẳng định ngoài khu "New Jungle", nơi tập trung lều trại của khoảng 3.000 người tị nạn muốn tìm cách vượt đường hầm qua eo biển Manche để sang Anh, thì bất kỳ khu định cư bất hợp pháp nào khác cũng đều không được chấp thuận và sẽ phải giải tán.

Khoảng 50 trong số 400 người nói trên đã biểu tình ngồi tại cảng Calais, đồng thời từ chối tới khu “New Jungle” do lo ngại bất ổn an ninh.

Lều trại "ổ chuột" của người di cư mọc lên như nấm sau khi trung tâm tị nạn của Hội Chữ Thập đỏ quốc tế tại Sangatte (Pháp) đóng cửa vào năm 2002 do quá tải, cũng như do xảy ra nhiều vụ bạo lực liên quan.

* Cũng trong ngày 21/9, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, người vừa trở lại vị trí lãnh đạo đất nước sau khi đảng cánh tả Syriza của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 20/9 vừa qua, đã kêu gọi các nước EU cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà “lục địa già” đang phải oằn mình gánh chịu.

Kể từ đầu năm nay, đã có hơn 310.000 người, hầu hết là người tị nạn Syria trốn chạy khỏi nội chiến, tới lãnh thổ của Hy Lạp. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người di cư và tị nạn cũng đã và đang tìm cách băng qua các cửa ngõ tại các nước khu vực Balkan để tới những nước thành viên EU giàu có hơn. Nhiều quốc gia trong khối này buộc phải đóng cửa biên giới với các nước láng giềng, nơi dòng người di cư ồ ạt tìm cách vượt qua mỗi ngày.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ viện trợ bổ sung cho người tị nạn Syria
Mỹ viện trợ bổ sung cho người tị nạn Syria

Giới chức Mỹ ngày 21/9 cho biết nước này sẽ viện trợ bổ sung 419 triệu USD để giúp những dân thường bị mắc kẹt trong cuộc nội chiến ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN