Hà Lan dọn rừng đón người di cư tị nạn

Nằm sâu trong một khu rừng yên tĩnh ở Hà Lan, công việc xây dựng đang diễn ra hối hả trong bối cảnh Hà Lan chuẩn bị đón hàng ngàn người di cư qua biên giới trong tuần này.


Hoạt động xây dựng diễn ra khẩn trương.


Trong ba ngày 23-25/9, 3.000 người di cư tìm kiếm quy chế tị nạn được dự đoán sẽ đổ vào Hà Lan từ các cửa khẩu tại Heumensoord bên ngoài thành phố Nijmegen nằm ở phía đông, giáp ranh với Đức.

Kể từ cuối tuần trước, trong lúc những xe tải ầm ầm vào ra trong tiếng ồn khoan đục, binh sĩ và các nhà thầu tư nhân đã làm việc cật lực để dựng lên những lều bạt đầu tiên để chuẩn bị đón đoàn người di cư. Khu vực trại tị nạn đang được xây dựng có diện tích ước chừng xấp xỉ 10 sân bóng đá.

Địa điểm được Hà Lan chọn lựa làm nơi trú ngụ cho hàng nghìn người tị nạn là một lựa chọn hiển nhiên bởi vào mùa hè, nơi đây là địa điểm tập trung khoảng 5.000 binh sỹ tham gia cuộc diễu hành Nijmengen kéo dài bốn ngày. Đây là cuộc diễu hành lớn nhất châu Âu, diễn ra thường niên. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiết yếu tại địa điểm này như nước và điện cũng đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng.

Vào thập niên 90 của thế kỉ trước, nơi đây từng hai lần được sử dụng để đón hàng trăm người tị nạn chạy trốn cuộc chiến tranh kéo theo sự phân tách của nhà nước Nam Tư.

Cho đến nay, so với các nước khác như Áo, Hungary và Đức, Hà Lan là quốc gia chưa chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng di cư đổ về dọc biên giới Liên minh Châu Âu. Một người đàn ông có tên Gerard Brans đạp xe ngang qua khu vực xây dựng trại tị nạn thể hiện quan điểm ủng hộ người tị nạn. “Chúng ta phải cho những người này lều bạt, chúng ta không thể bỏ mặc họ trên đường, đặc biệt là khi mùa đông đang đến”, ông nói.

Theo các nhà chức trách Hà Lan, nơi cư trú cho những người tìm kiếm quy chế tị nạn ở nước này đáp ứng hai tiêu chí: “đơn giản và nhân đạo”. Nơi đây sẽ có những tiện ích tối thiểu để phục vụ người di cư: giường, nhà tắm, nhà vệ sinh di động, điện và thậm chí là kết nối Internet.

Tuy nhiên, vị trí xây dựng trại tị nạn ở đây chỉ là một giải pháp tạm thời và sẽ được di dời trước tháng 6 năm sau để dọn chỗ cho cuộc diễu hành hàng năm, cũng như phục vụ một sự kiện thể thao của người khuyết tật.

Lều bạt được dựng lên để đón người di cư.


Bất chấp những luật nhập cư siết chặt của quốc gia này cũng như lời kêu gọi “đóng cửa biên giới” của nhà chính trị cực hữu Geert Wilders với lí do các phần tử Hồi giáo quá khích có thể trà trộn trong đoàn người di cư, tại Hà Lan, phần lớn mọi người cùng chung tay hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư

Theo quan điểm của ông Frits van Loosen, 57 tuổi, cuộc sống của những người địa phương như ông sẽ không có gì xáo trộn dù có thêm trại tị nạn ở cánh rừng này. Cho biết sẽ vẫn đi dạo qua đây, ông nói: “Thật không có nghĩa lý gì khi lo lắng về tương lai. Cho đến giờ này, không có bằng chứng nào cho thấy họ sẽ là một mối phiền toái”.

Trong thập niên 1990, con số những người tìm kiếm quy chế tị nạn tìm đến Hà Lan thông thường vượt quá 40.000 mỗi năm. Nhưng cùng với những cuộc xung đột đang vẫn diễn ra ở Syria, Libya, Iraq… tình hình đã biến chuyển. Theo dữ liệu của Eurostat, trong quý hai năm nay, đơn đăng ký xin tỵ nạn tại Hà Lan đã tăng đột biến, ở mức 159%, cao hơn bất kì quốc gia nào khác tại EU.

Mặc dù con số 6.270 đơn đăng ký ở Hà Lan vẫn còn thấp so với Hungary (32.675) và Đức (80.935), nhưng cũng đủ để gióng lên một hồi chuông báo động cho quốc gia này.

Các trại lính, hội trường thể thao hay các nhà tù chưa sử dựng đều được được trưng dụng để làm nơi trú ngụ cho hàng ngàn người tị nạn. Trong khi đó, con số người di cư vẫn đang tăng lên. Hồi tháng trước, 7.000 đơn dăng ký tị nạn đã được ghi nhận tại quốc gia này. Trong tháng này, chỉ trong vòng một tuần lễ, đã có 3.100 đơn đăng ký tị nạn được nhận.

Trước cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra tại Lục địa Già, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã kêu gọi các quốc gia EU đồng ý hạn ngạch số lượng người tị nạn, đồng thời thể hiện mong muốn chấm dứt tình trạng chọn lựa quy chế tị nạn khi người di cư đổ đến các quốc tây Âu giàu có hơn chỉ cốt để hưởng lợi từ hệ thống phúc lợi tại các quốc gia này.

Anh Tiếu (Theo AFP)
Đông Âu nỗ lực tìm kiếm đồng thuận về di cư
Đông Âu nỗ lực tìm kiếm đồng thuận về di cư

Bốn nước Đông Âu vốn phản đối hạn ngạch tiếp nhận người di cư của Liên minh châu Âu (EU), là Hungary, Ba Lan, CH Séc và Slovakia, đã khẳng định sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận với các nước Tây Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN