Tờ Bloomberg đưa tin chính sách mới sẽ cho phép tự động hợp pháp hóa các yêu cầu nhập cảnh để tạo điều kiện cho người tài giỏi nhanh chóng đến Australia hoạt động kinh doanh. Gần 500 thị thực theo hoạt động ngắn hạn thuộc chương trình “Phục hồi kinh tế hậu COVID-19” sẽ được cấp trong 10 tháng tới.
Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews thông báo: “Các sáng kiến đưa người tài đến Australia chính là trọng tâm của nỗ lực phục hồi kinh tế. Việc đưa công dân hồi hương vẫn được ưu tiên, song việc miễn trừ tự động cho người tài giỏi cho thấy rõ tầm quan trọng của việc đầu tư”.
Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 3/2021, Australia đã áp đặt lệnh cấm người không phải là công dân và cư dân của nước này nhập cảnh. Việc này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu kỹ năng trong một số ngành và dịch vụ chính. Biện pháp này cũng được áp đặt lên chính công dân Australia. Tính đến cuối tháng 7, khoảng 38.000 người Australia vẫn bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Những biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt trên đã khiến dư luận quốc tế gọi đất nước này là “Pháo đài Australia”.
Trong những tháng gần đây, chính phủ đã cắt giảm 50% lượng khách quốc tế đến và cấm các công dân không cư trú nhập cảnh vào đất nước này để giảm áp lực cho hệ thống kiểm dịch đang bị biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 làm chao đảo.
Chủng Delta xuất hiện tại Sydney từ giữa tháng 6 với khả năng lây lan nhanh chóng. Hiện có khoảng một nửa dân số 26 triệu người của Australia đang ở trong tình trạng phong toả khi nhà chức trách cố gắng kiểm soát đợt bùng phát với hơn 1.500 người nhiễm virus mới mỗi ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, số ca mắc COVID-19 tại đây vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia, với khoảng 77.000 ca, trong đó có hơn 1.100 ca tử vong.
New South Wales, bang tập trung đông dân nhất, đang tìm cách dỡ bở các biện pháp giới hạn và nối lại hoạt động đi lại quốc tế vào cuối năm nay khi đạt tỷ lệ tiêm chủng nhất định.
Việc miễn trừ tự động của chính phủ đối với những người có tay nghề cao không phải công dân Australia sẽ giới hạn trong nhóm các doanh nghiệp được Lực lượng Đặc nhiệm Thu hút và Kinh doanh Toàn cầu coi là có khả năng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, về cả giá trị đầu tư và tiềm năng tạo việc làm.
Những người này vẫn cần phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về sức khỏe và quy định kiểm dịch do các tiểu bang và vùng lãnh thổ quản lý.
"Những người được cấp thị thực này sẽ mang lại những kỹ năng, đầu tư và những ý tưởng mới để tuyển dụng người Australia và giữ cho chúng ta duy trì cạnh tranh quốc tế trong nhiều năm tới", bà Karen Andrews nhấn mạnh.
Chính phủ liên bang Australia hồi tháng 7 đã công bố kế hoạch mở cửa đất nước gồm 4 giai đoạn khi đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 70 đến 80% dân số. Do đó, các bang đang chạy đua tiêm chủng cho người dân để kịp tiến độ mở cửa nền tế.
Ngoài ra, chính phủ cũng lên kế hoạch tiêm chủng cho 1,2 trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi trong vài tháng tới. Tại Australia, tính đến hết ngày 12/9, có 67,8% người đủ điều kiện tiêm chủng và trên 16 tuổi đã được tiêm một mũi, trong đó có 42,6% tiêm đủ hai liều.