Chiến lược chống dịch 'vênh' đẩy Australia vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 120 năm 

Tình trạng bang thì từ bỏ chiến lược “Zero COVID”, bang lại đang siết chặt, đang gây ra cơn đau đầu chính trị với Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Chú thích ảnh
Chiến lược dỡ bỏ phong toả vênh nhau giữa các bang đang đe doạ tính thống nhất của hệ thống liên bang Australia. Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Bloomberg, đại dịch COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với hệ thống liên bang của Australia kể từ năm 1901, khi 6 thuộc địa khác nhau của Anh ở vùng đất có tên Great Southern Land đoàn kết cùng nhau giành độc lập. Chưa khi nào kể từ đó, "xứ sở chuột túi" lại bị chia cắt như lúc này.

Các đường biên giới tiểu bang, trước đây chỉ dành cho du khách cơ hội chụp ảnh, giờ bị siết chặt để ngăn chặn cư dân rời khỏi những khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Các thành viên trong những gia đình bị chia cắt đang bất chấp lệnh của cảnh sát, ôm chầm lấy nhau qua các rào chắn; một số người thậm chí bị từ chối quyền gặp con cái hoặc thăm người thân đang hấp hối.

Tại khu vực đông nam dân cư đông đúc của Australia, với các đô thị lớn như Sydney và Melbourne, các bang đang từ bỏ chiến lược “Zero COVID” (loại bỏ hoàn toàn các ca nhiễm COVID-19) để mở cửa trở lại các doanh nghiệp, trường học vào tháng tới và mở lại biên giới vào cuối năm nay. Tuy nhiên khu vực dân cư thưa thớt hơn ở phía bắc và phía tây của đất nước, nơi không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, lại đang siết chặt gấp đôi mục tiêu “Zero COVID”, nhiệt tình bảo vệ một chiến lược cho phép cư dân địa phương sống thoải mái, không khẩu trang, dù bị cắt đứt với phần còn lại của đất nước và thế giới.

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra thông tin những người lái xe ở Kilmore, phía bắc Melbourne, vào ngày 10/9 để ngăn người dân Melbourne di chuyển đến các vùng không có COVID của Australia.

Frank Bongiorno, Giáo sư lịch sử tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết: “Trước đại dịch này, không ai có thể coi tự do đi lại - giữa các tiểu bang cũng như từ nước ngoài - là quan trọng hoặc có ý nghĩa đối với người Úc. Nhưng những quyền đó đã bị cắt giảm đáng kể và điều đó sẽ mãi mãi thay đổi quan niệm của mọi người về vai trò của chúng trong trật tự chính trị, thậm chí là cách chúng liên quan đến quyền lực".

Mọi chuyện đã rất khác vào năm ngoái. Tháng 3/2020, Australia đóng cửa các biên giới quốc tế của mình đối với những người không phải là công dân Úc hoặc thường trú nhân. Họ được cả thế giới ca ngợi vì đã nhanh chóng dập tắt các đợt bùng dịch bằng biện pháp phong toả nhanh. Điều này đồng nghĩa 26 triệu cư dân Australia phần lớn trở lại cuộc sống bình thường và số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở dưới 1.000 ca trong khi virus đã giết chết cả triệu người ở Mỹ và châu Âu.

New Zealand, Singapore, Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược tương tự. Sự đánh đổi là sự cô lập quốc tế. Nhưng đó là gánh nặng mà đại đa số người Australia rất vui khi phải chịu đựng, cho đến khi nhiều nơi trên thế giới từng bị tê liệt bởi đại dịch đã được tiêm phòng và bắt đầu mở cửa trở lại. Giờ đây, khi đại dịch vẫn còn kéo dài, chiến lược “Zero COVID” ngày càng bị coi là quá thận trọng và không bền vững. 

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Australia. Ảnh: Getty Images

Bước ngoặt gây khó khăn cho Australia là sự bùng phát biến thể Delta. Chỉ một ca nhiễm biến thể này đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ausgtralia vào tháng 6, khi một lái xe ở Sydney nhiễm virus khi đang chở một phi hành đoàn quốc tế từ sân bay đến khách sạn cách ly. Hiện nay, biến thể Delta đang lây nhiễm cho gần 2.000 người mỗi ngày ở các bang New South Wales và Victoria.

Ở các bang miền đông nam này, trọng tâm chống dịch đã chuyển khỏi việc loại bỏ hoàn toàn ca nhiễm để hướng tới việc mở cửa và chung sống. Mặc dù một nửa dân số Australia hiện đang ở trong tình trạng phong toả, các nhà lãnh đạo ở New South Wales, nơi có thủ phủ Sydney, đã cam kết về “tự do” tại các quán rượu, nhà hàng và phòng tập thể dục cho những người đã tiêm hai mũi vaccine ngay khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70%. Mốc này dự kiến sẽ đạt được vào tháng tới, bởi hiện nay tỉ lệ tiêm chủng đạt khoảng 48%.

Trong khi đó, cách Sydney 3.500km, Mark McGowan, thủ hiến bang Tây Úc (Western Australia), kiên quyết rằng ông không cần “kế hoạch rút lui” khỏi "Zero COVID", bởi vì tiểu bang của ông không xuất hiện biến thể Delta và cũng không áp đặt hạn chế nào.

Chú thích ảnh
Thủ hiến bang Tây Úc McGowan theo đuổi chiến lược siết chặt đường biên giới bang, không cho phép virus xâm nhập, thay vì nới lỏng như ở các bang miền đông nam Australia. Ảnh: AFP

“Chính sách tiêu diệt virus của chúng ta cho phép người dân bang Tây Úc đang được sống trong một trong những xã hội tự do và cởi mở nhất trên thế giới”, ông McGowan cho biết trong một tuyên bố vào ngày 9/9. Vị thủ hiến này đang dẫn đầu một nhóm các bang muốn siết chặt các đường ranh giới bang để ngăn chặn virus xâm nhập từ bên ngoài chừng nào có thể, hoặc cho đến khi tiêm chủng đạt mức cực cao. Thủ hiến McGowan nói rằng bang Tây Úc có thể mở cửa hai tháng sau khi 90% người lớn được tiêm chủng đầy đủ (con số này hiện là khoảng 39%).

Rạn nứt nội bộ của Australia phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều quốc gia từng thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh đang đối mặt. Mức độ cam kết của các quốc gia này đối với chiến lược “Zero COVID” đang thay đổi tùy theo mức độ cô lập mà nền kinh tế của họ có thể chịu đựng. Trung Quốc tiếp tục cố gắng loại bỏ tất cả các ca lây nhiễm, trong khi Singapore hiện muốn chuyển sang sống chung với virus. Australia thì đang bị mắc kẹt đâu đó ở giữa, và hệ thống chính trị của đất nước đang cho thấy sự căng thẳng nội bộ.

Thủ hiến McGowan - có biệt danh “Mr. 89%” nhờ tỉ lệ ủng hộ khi ông dẫn dắt đảng Lao động Australia giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cấp bang vào tháng 3 - đã nổi lên như một nhân vật phản kháng lại Thủ tướng Scott Morrison, người đang gây áp lực buộc các bang mở lại biên giới vào cuối năm nay. Các cuộc thăm dò cho thấy chính phủ liên minh của ông Morrison, lãnh đạo đảng Tự do, đang bị bỏ sau đảng Lao động trước các cuộc bầu cử vào tháng 5/2022.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng ở bang Tây Úc là chậm nhất trong tất cả 8 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia, điều này có nghĩa là đường biên giới cứng của bang này còn được duy trì trong năm 2022.

Trong khi đó, Thủ tướng Morrison hiện đang thúc giục tất cả các nhà lãnh đạo tiểu bang và vùng lãnh thổ cam kết thực hiện một “kế hoạch quốc gia” về việc nới lỏng các hạn chế khi 70% tổng số người dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ và cho phép đi lại trong nước - quốc tế tự do khi đạt tỉ lệ 80%.

Chú thích ảnh
Người dân bang New South Wales, Australia đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Getty Images

“Bất kỳ bang và vùng lãnh thổ nào nghĩ rằng bằng cách nào đó họ có thể tự bảo vệ mình khỏi COVID-19 với biến thể Delta mãi mãi, điều đó thật vô lý. Chúng ta cần phải bước ra và sống chung với nó. Chúng ta không thể ở mãi trong hang”, ông Morrison nói.

Nhưng những nhận xét như vậy không gây được tiếng vang lớn ở xứ sở Tây Úc. Bang này có lịch sử ủng hộ ly khai, trong đó có cuộc trưng cầu dân ý năm 1933 cho thấy đa số ủng hộ tách khỏi liên bang. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo tiểu bang đã không hài lòng khi cho rằng chính phủ liên bang sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu quặng sắt, khí đốt tự nhiên và vàng của họ để hỗ trợ các bang nghèo hơn.

Martin Drum, giảng viên cao cấp về chính trị tại Đại học Notre Dame ở Perth, thủ phủ Tây Úc, cho biết: “Người Tây Úc có một lịch sử lâu đời coi mình là khác biệt, thậm chí là đặc biệt, không chỉ với phần còn lại của đất nước mà là với thế giới. Thường xuyên xảy ra căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo tiểu bang và chính phủ liên bang, đặc biệt là về kinh tế, và đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ đó”.

Cũng có suy đoán rằng một thách thức pháp lý tiềm tàng đối với biên giới nội địa cứng của bang có thể buộc Thủ hiến McGowan phải ra tay. Hiến pháp của quốc gia tuyên bố rằng việc di chuyển của người dân “giữa các tiểu bang, cho dù bằng phương tiện vận tải nội bộ hay hàng hải, sẽ hoàn toàn tự do”. Điều đó có thể lấn át quyền của các bang, vốn đã chuyển sang luật an ninh sinh học (biosecurity) còn tương đối mới để biện minh cho các biên giới nội bộ.

Những nỗ lực của bang Tây Úc diễn ra bất chấp cảnh báo rằng sẽ có hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu ông McGowan cố đóng cửa biên giới bang trong năm tới. Hãng hàng không quốc gia Qantas Airways cảnh báo Perth có thể mất vị thế là một trung tâm trung chuyển cho các chuyến bay đến London.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
COVID-19 tới 6h sáng 15/9: Thêm 8.333 người chết; Mỹ ca tử vong mới vọt tăng gấp đôi
COVID-19 tới 6h sáng 15/9: Thêm 8.333 người chết; Mỹ ca tử vong mới vọt tăng gấp đôi

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 460.000 ca mắc COVID-19 và 8.333 ca tử vong. Mỹ đứng đầu thế giới về cả tử vong và nhiễm mới khi số ca tử vong tăng gấp đôi so với ngày 13/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN