Lần đầu tiết lộ về kế hoạch đầy tham vọng này, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 16/9 cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ khởi động sáng kiến trên bằng cách ưu tiên bằng cách ưu tiên mua vaccine ngừa COVID-19 của các công ty chia sẻ công nghệ và thiết lập cơ sở ở Indonesia.
Trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, Bộ trưởng Budi cho hay đã trực tiếp vận động Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về kế hoạch trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine mRNA toàn cầu nhân chuyến công tác châu Âu hồi đầu tháng 9.
Các trung tâm chuyển giao công nghệ mới là một phần trong chiến lược của WHO nhằm phân bổ sản xuất vaccine rộng khắp trên toàn cầu, cũng như xây dựng năng lực sản xuất vaccine thế hệ mới tại các nước đang phát triển, để nhanh chóng kiểm soát các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Một quan chức cấp cao của WHO nói với Reuters rằng những nỗ lực xây dựng trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 ở Nam Phi sẽ tập trung vào sản phẩm của Moderna, nhưng việc đàm phán với công ty Mỹ này lại không đạt tiến độ. Điều này có nghĩa là dự án này sẽ phải chờ đợi thêm.
Bộ trưởng Budi cho hay Indonesia rất muốn xây dựng chuyên môn về vaccine mRNA, cũng như vaccine véc-tơ do AstraZeneca sản xuất. Quan chức này tự tin Indonesia là nơi có vị trí thuận lợi để xuất khẩu vaccine khi khắp thế giới, và đặc biệt là quốc gia tỷ lệ người theo đạo Hồi đông nhất nên có thể đảm bảo vaccine của họ đạt tiêu chuẩn của người Hồi giáo.
Ông Budi cho biết Indonesia sẽ tậndụng quyền lãnh đạo của nhóm các quốc gia nền kinh tế hàng đầu G-20 bắt đầu từ tháng 12 tới để thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo sau COVID-19. Ông nói: “Không ai có thể đảm bảo rằng Sars-CoV-3 và 4 sẽ không xuất hiện”.
Indonesia phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào ngày 13/1. Tính đến hết ngày 14/9, 74.257.515 người tại nước này đã được tiêm mũi thứ nhất và 42.565.331 người đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine.