Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã đưa ra lời giải thích cho một lỗi thống kê khổng lồ vừa được phát hiện gần đây trong chương trình viện trợ của Washington cho Kiev. Ông lập luận rằng sai sót đó thực chất là một tin tốt, vì Mỹ có thể gửi nhiều hơn cho Kiev.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Jake Tapper, hãng CNN, ông Sullivan đã giải thích về việc Lầu Năm Góc thừa nhận đã tìm thấy một khoản trội 3 tỷ USD trong ngân sách viện trợ. Và người dẫn chương trình gọi đó là “một lỗi kế toán khủng khiếp”.
Khi được hỏi liệu sai sót đó có phải do việc thiếu giám sát đối với 37 chuyến vận chuyển vũ khí riêng lẻ và các hỗ trợ khác được gửi tới Kiev kể từ năm ngoái hay không, quan chức cấp cao của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng kết quả cuối cùng là không một xu nào sẽ bị thất thoát hoặc phân bổ sai.
“Đó không phải là lãng phí 3 tỷ USD. Nó chỉ đơn giản là vấn đề về kiểm đếm số lượng thiết bị quân sự mà chúng tôi đã cung cấp cho họ. Và cách mà Lầu Năm Góc tính đó là chi phí thay thế chứ không chỉ là chi phí thực tế của thiết bị đó. Hóa ra chúng tôi có thêm 3 tỷ USD để cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa cho Ukraine”, ông Sullivan giải thích.
Ông thừa nhận Lầu Năm Góc lẽ ra phải cung cấp con số chính xác về mặt hạch toán, nhưng cũng trấn an người dân Mỹ hãy tin tưởng rằng số tiền này đang được chi tiêu hiệu quả.
Việc thừa nhận lỗi thống kê lớn trên xảy ra trong bối cảnh một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích về hoạt động viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, vốn đã lên tới 37 tỷ USD kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào năm ngoái. Ngày 18/5, 19 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã viết một lá thư gửi Tổng thống Joe Biden kêu gọi chấm dứt chương trình viện trợ, viện dẫn những căng thẳng nguy hiểm với Moskva.
Các nhà lập pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng động thái viện trợ của Mỹ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine có nguy cơ leo thang hơn nữa, cũng như thiếu chiến lược rõ ràng để đưa cuộc chiến này đến hồi kết.
Bất chấp những lời phàn nàn đó, hầu hết các nhà lập pháp ở Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ viện trợ quân sự vô thời hạn cho Kiev.
Nga từ lâu đã cảnh báo rằng các hoạt động viện trợ quân sự, đào tạo, tình báo và các hỗ trợ khác dành cho Kiev đã khiến Mỹ và các đồng minh trên thực tế trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.