Iran nổi lên như một trong những nhà tài trợ tài chính hào phóng nhất cho Hamas, cung cấp cho nhóm chiến binh những nguồn lực quan trọng mà họ cần. Nhưng các nhà điều tra ở Mỹ và trên thế giới đã xác định được một nguồn doanh thu khác đang được Hamas khai thác: Các nhà tài trợ trực tuyến ở xa cung cấp hỗ trợ bằng tiền điện tử.
Kênh CNN cho biết ngay cả trước khi Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7/10, các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington, D.C. đã theo đuổi một cuộc điều tra hình sự về việc nhóm chiến binh này sử dụng tiền điện tử thông qua những kẻ bị cáo buộc rửa tiền.
Các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ công bố rất ít thông tin chi tiết về vụ rửa tiền – với hầu hết hồ sơ đã được niêm phong – nhưng những hồ sơ được công khai đã tiết lộ nó bắt nguồn từ các tài khoản tiền điện tử có liên quan đến Hamas mà chính phủ Mỹ thu giữ ba năm trước.
Hồ sơ tòa án hồi tháng 5 cho biết vụ án “đang diễn ra” và thẩm phán đã tạm dừng các thủ tục tố tụng liên quan đến vấn đề dân sự đến tháng sau để cho phép vụ án hình sự tiếp tục mà không bị can thiệp.
Theo các nhà phân tích chia sẻ với đài CNN, các địa chỉ tiền điện tử mà Israel phát hiện có liên kết với Hamas và một nhóm chiến binh Palestine khác có tổng trị giá hàng chục triệu USD.
Việc sử dụng tiền kỹ thuật số của Hamas chỉ là một trong nhiều cách mà nhóm này đã sử dụng để gây quỹ trong khi phải tránh các lệnh trừng phạt.
“Không phải chỉ một phương thức tài trợ cho Hamas hoặc các tổ chức khủng bố khác. Họ là những kẻ cơ hội và thích nghi”, cựu chuyên gia phân tích Yaya Fanusie của CIA, hiện là thành viên cấp cao phụ trợ của Trung tâm An ninh Mỹ, cho biết. “Những nỗ lực để ngăn chặn họ là một trò chơi mèo vờn chuột liên tục”, Fanusie nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số lời kêu gọi quyên góp đã xuất hiện công khai. Theo một báo cáo công bố năm nay của Bộ An ninh Nội địa, Hamas và các nhóm khủng bố khác đã sử dụng mạng xã hội Facebook và X, tên mới của Twitter, để đăng công khai địa chỉ ví tiền điện tử của họ và hướng dẫn mọi người cách quyên góp.
Các cáo buộc chống lại một người đàn ông ở New Jersey vào năm 2019 đã mô tả việc người đăng trên Instagram rằng anh ta “vừa quyên góp 100 đô la cho Hamas”. Người đàn ông này, cũng bị cáo buộc gửi 20 đồng bitcoin cho nhóm, sau đó đã nhận tội che giấu nỗ lực cung cấp hỗ trợ vật chất cho Hamas, nhóm bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Khi các chính phủ tìm cách kiểm soát các giao dịch như vậy, cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn al-Qassam đã tuyên bố vào tháng 4 rằng họ sẽ ngừng gây quỹ bằng bitcoin để bảo vệ các nhà tài trợ của mình - theo Reuters.
Nhưng Hamas rõ ràng đã không ngừng hoàn toàn những nỗ lực đó. Hôm 10/10, chính quyền Israel đã tuyên bố đóng băng các tài khoản tiền điện tử bổ sung mà nhóm này được cho là đã sử dụng để quyên góp tài chính phục vụ cho cuộc xung đột đang diễn ra.
Và ngoài bitcoin, các ví tiền điện tử mà chính quyền Israel cho biết có liên quan đến Hamas còn bao gồm các loại tiền điện tử như Ether, XRP, Tether...
Không rõ Hamas đã nhận được bao nhiêu tiền bằng tiền điện tử, nhưng có bằng chứng cho thấy họ đã tích lũy được số tiền đáng kể. Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ ông Dmitry Machikhin, Giám đốc điều hành của phần mềm phân tích tiền điện tử BitOK, cho biết các địa chỉ tiền điện tử được liên kết với Hamas và bị chính quyền Israel thu giữ đã nhận được gần 41 triệu USD từ năm 2020 đến năm 2023.
Elliptic, một công ty phân tích khác, tính toán rằng, 94 triệu USD khác được cho là do tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestine Islamic Jihad), một đối tác chiến binh của Hamas, nắm giữ.
Arda Akartuna, một nhà nghiên cứu của Elliptic, nói với CNN rằng Hamas và Lữ đoàn al-Qassam, nhánh quân sự của họ, là một trong những “những người khởi xướng thành công nhất cho đến nay việc gây quỹ dựa trên tài sản tiền điện tử”.
Ông Akartuna lưu ý rằng việc theo dõi dòng tiền điện tử được liên kết với Lữ đoàn al-Qassam rất phức tạp do nhóm này dùng các địa chỉ tiền điện tử “sử dụng một lần” được tạo cho mỗi nhà tài trợ cá nhân và các giao dịch tiền bất hợp pháp chuyển đổi tiền điện tử thành tiền mặt một cách ẩn danh, không có hồ sơ.
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2021, Iran là nhà hảo tâm chính của Hamas, quốc gia này đã cung cấp tới 100 triệu USD hàng năm cho các nhóm vũ trang Palestine, bao gồm cả Hamas và nhóm Jihad.
Những tiết lộ từ Bộ Tài chính Mỹ đã vạch ra cách Hamas đôi khi nhận được tiền của Iran thông qua các nhà tài trợ có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và Liban. Ví dụ, một cơ quan tài chính có trụ sở tại Liban hoạt động như một “người trung gian” giữa Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Hamas, đồng thời làm việc với nhóm Hezbollah của Liban để đảm bảo tiền được chuyển.
Theo một quan chức cố vấn Bộ Tài chính Mỹ, Iran đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để tài trợ cho các nhóm như Hamas, chẳng hạn như mạng lưới các công ty vỏ bọc, các giao dịch được các quan chức cấp cao che đậy và sử dụng kim loại quý để tránh các lệnh trừng phạt.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 11/10 cho biết Iran “đồng lõa theo nghĩa rộng vì họ đã cung cấp phần lớn tài trợ cho cánh quân sự của Hamas” cũng như các hỗ trợ khác. Ông Sullivan nói thêm rằng hiện tại không có thông tin nào cho thấy Iran đã giúp lập kế hoạch hoặc chỉ đạo cuộc tấn công.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ vào tháng 5, Hamas còn gây quỹ thông qua thuế không chính thức và buôn lậu.