Dải Gaza - lịch sử mảnh đất đầy thương đau

Chiến tranh lại một lần nữa dày xéo dải đất hẹp đầy thân phận ở Trung Đông.

Chú thích ảnh
Không quân Israel trút bão lửa xuống Gaza để trả đũa vụ Hamas tấn công đẫm máu làm hơn 700 người Israel thiệt mạng hôm 7/10/2023. Ảnh: Getty Images

Xung đột đã leo thang khốc liệt kể từ ngày 7/10 khi các tay súng thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas mở cuộc tấn công theo nhiều hướng vào miền Nam Israel. Đáp lại, Israel đã mở chiến dịch "Những thanh kiếm sắt" dội bão lửa xuống vùng đất của người Palestine. Hơn 1.800 người đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10, và tình hình leo thang bạo lực đang nhấn chìm khu vực này trong hỗn loạn.

Khi những hình ảnh và video về sự tàn phá được phát đi, người dân thế giới một lần nữa lại chú ý đến Dải Gaza, một trong những dải đất nghèo đói và dân cư đông đúc nhất thế giới. Tình cảnh của người dân Gaza được cảnh báo sẽ còn khó khăn bội phần, khi ngày 9/10, chính quyền Israel đã ra lệnh phong tỏa toàn diện Dải Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nói rằng sẽ “không có điện, không thực phẩm, không có nhiên liệu” cho hơn 2 triệu người Palestine sống ở đó.

Dưới đây là lịch sử của dải đất này và những câu hỏi liên quan đến cuộc chiến hiện nay giữa Israel và Hamas.

Dải Gaza là gì?

Chú thích ảnh
Bản đồ Dải Gaza nằm kẹp giữa lãnh thổ Ai Cập, Israel và Địa Trung Hải.

Dải Gaza là một dải đất nhỏ hẹp giáp Israel và Ai Cập bên biển Địa Trung Hải. Một phần do vị trí ven biển đáng mơ ước, Dải Gaza đã từng bị tranh giành trong nhiều thế kỷ, nhưng cuộc xung đột hiện đại ở khu vực này chỉ bắt đầu từ năm 1948. Trước thời điểm đó, khu vực ngày nay được gọi là Dải Gaza — một vùng đất rộng 365km2 ôm lấy bờ biển Địa Trung Hải - nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh như một phần của “Ủy trị Palestine” lớn hơn sau Thế chiến thứ nhất. Trong nhiều thế kỷ, khu vực này là nơi sinh sống của đa số người A rập theo đạo Hồi cùng một số ít người Do Thái và Cơ đốc giáo. Nhưng khi người Do Thái ở châu Âu chạy trốn trong Thế chiến thứ hai, dân số Do Thái đã tăng mạnh ở Gaza, một phần cũng nhờ sự ủng hộ của phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ dưới thời Tổng thống Harry Truman, với ý tưởng tìm một quê hương cho người Do Thái.

Năm 1947, Liên hợp quốc, khi đó mới thành lập, đã thông qua kế hoạch phân chia khu vực này thành một quốc gia Do Thái và một quốc gia A rập. Người A rập Palestine, được sự hậu thuẫn của Syria, Liban, Jordan và Ai Cập, bác bỏ kế hoạch này vì nó chỉ cấp cho họ chưa đến một nửa đất đai mặc dù số lượng cư dân A rập đông gấp đôi cư dân Do Thái. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Israel đã đồng ý với kế hoạch đó và đơn phương thực thi. Vào ngày 14/5/1948, ngày quân đội Anh rời khỏi khu vực, các nhóm theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái do David Ben-Gurion lãnh đạo đã tuyên bố Israel là một nhà nước. Cuộc chiến tranh A rập - Israel đầu tiên nổ ra ngay ngày hôm sau.

Lực lượng Ai Cập thiết lập một căn cứ ở thị trấn Gaza và cố gắng đẩy lui quân Israel, nhưng đến mùa thu năm đó, khu vực họ kiểm soát xung quanh thị trấn chỉ còn dài khoảng 40km và rộng 8km. Khi Ai Cập và Israel đạt được thỏa thuận đình chiến vào tháng 2, biên giới của Dải Gaza được thiết lập và nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập.

Gần 1 triệu người Palestine đã chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi nhà của họ trên vùng đất đã trở thành đất của Israel trong năm 1948, trong thời kỳ mà họ gọi là “al-Nakba” hay “Thảm họa”. Mặc dù Ai Cập kiểm soát Gaza, nhưng những người tị nạn Palestine đến Dải Gaza không được chính phủ cho phép đi vào phần còn lại của Ai Cập. Mất nhà cửa và sinh kế, khoảng 500.000 người trở nên phụ thuộc vào viện trợ của Liên hợp quốc.

Chú thích ảnh
Gần một nửa dân số ở Gaza là trẻ em, khiến vùng đất này càng trở nên dễ tổn thương. Ảnh: Getty Images

Gaza tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập cho đến khi xảy ra Khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956, khi Ai Cập quốc hữu hóa tuyến đường vận chuyển chính này bất chấp Anh và Pháp phản đối. Các tàu của Israel đã bị ngăn không cho đi qua kênh đào cũng như không được sử dụng Eo biển Tiran nối Israel với Biển Đỏ. Để đáp trả, Israel đã tấn công Gaza, chiếm giữ dải đất này trong vài tháng trước khi áp lực quốc tế buộc họ phải trao trả lại cho Ai Cập.

Cuộc chiến tranh Sáu Ngày

Vào tháng 6/1967, nhiều năm leo thang xung đột biên giới và các cuộc tấn công du kích quy mô nhỏ ở Gaza đã trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, và lên đến đỉnh điểm trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. 

Cuộc chiến năm 1967, cũng gọi là Chiến tranh A rập - Israel lần thứ ba, là cuộc chiến giữa Israel và liên minh các nước láng giềng A rập bao gồm: Ai Cập, Jordan, và Syria. Các quốc gia Liên Xô, Iraq, Saudi Arabia, Kuwait, Cộng hòa Dân chủ Đức và Algerie cũng đóng góp nhân sự và vũ khí cho các lực lượng A rập.

Nhận thức sâu sắc về vị thế dễ bị tổn thương của mình và với ký ức về thảm họa diệt chủng Holocaust vẫn còn nguyên vẹn, Israel đã xây dựng một quân đội hùng mạnh và được tổ chức tốt. Sáng ngày 5/6/1967, đoán trước được động thái từ các nước láng giềng A rập vừa ký hiệp ước phòng thủ, Israel đã phát động một cuộc tấn công phủ đầu gây choáng váng. Cuộc tấn công đã tiêu diệt phần lớn lực lượng không quân của Ai Cập, tiếp theo là Jordan và Syria vào buổi chiều. Điều này khiến quân đội của các quốc gia Arab dễ bị tổn thương và trong 5 ngày giao tranh tiếp theo, người Israel đã mở rộng lãnh thổ của họ một cách đáng kể, chiếm được Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập, giành Cao nguyên Golan từ tay Syria, và chiếm Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan.

Sau 2.000 năm tha hương, tất cả các thánh địa của Do Thái giáo giờ đây đều nằm dưới sự kiểm soát của người Do Thái. Hình ảnh binh sĩ Israel chiếm được Bức tường phía Tây ở Jerusalem đã trở thành biểu tượng. Một số chính trị gia Israel cảnh báo rằng quy mô của Israel mới sẽ khiến xung đột trong tương lai không thể tránh khỏi, nhưng những người Do Thái tin rằng việc chiếm được các thánh địa của họ là một phép lạ do Chúa ban tặng, không thể từ bỏ. Israel đóng quân ở Gaza và bắt đầu xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ mới vừa chiếm đóng.

Chú thích ảnh
Những người lính Ai Cập bị bắt giữ được đưa đi trong đoàn xe của quân Israel trên sa mạc Sinai vào ngày 8/6/1967. Ảnh: Rolls Press/Getty Images

Hiệp định Oslo

Sau cuộc chiến tranh Sáu Ngày, Israel kiểm soát Gaza và xây dựng tổng cộng 21 khu định cư của người Do Thái. Cũng tại Gaza, hơn 1 triệu người tị nạn Palestine bị bỏ lại. Thất bại đã tiếp thêm sinh lực cho phong trào dân tộc Palestine non trẻ, với việc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) giành được ảnh hưởng mới.

Căng thẳng và bạo lực kéo dài trong nhiều năm, bao gồm cả làn sóng intifada (phong trào nổi dậy của người Palestine) đầu tiên, kéo dài gần 4 năm với các cuộc biểu tình và bạo loạn ở các vùng lãnh thổ của người Palestine và lãnh thổ bị Israel chiếm đóng là Dải Gaza và Bờ Tây. Những cuộc đổ máu khiến Thủ tướng Israel, Yitzhak Rabin phát biểu năm 1992: “Tôi muốn Gaza chìm xuống biển, nhưng điều đó sẽ không xảy ra và phải tìm ra một giải pháp”.

Năm 1993, PLO và Israel ký Hiệp định Hòa bình Oslo. Israel đã từ bỏ quyền kiểm soát các khu vực ở Gaza và Bờ Tây, trao nó cho "Chính quyền Palestine", để đổi lấy một thỏa thuận ngăn chặn bạo lực của các nhóm du kích Palestine, bao gồm cả Hamas. Nhưng Chính quyền Palestine không thể ngăn chặn các cuộc tấn công và Israel từ chối dỡ bỏ các khu định cư còn lại của mình.

Hiệp định Oslo cũng trao cho Israel quyền kiểm soát toàn bộ nền kinh tế Palestine cũng như các vấn đề an ninh và dân sự trong hơn 60% khu vực Bờ Tây. Theo đó, chính quyền Palestine phải phối hợp với Israel về an ninh và các cuộc tấn công vũ trang được lên kế hoạch nhằm vào người Israel. Điều này đã gây tranh cãi mạnh mẽ và bị một số người cho là chính quyền Palestine đang hợp tác với hành vi chiếm đóng của Israel.

Một phần của nỗ lực thúc đẩy hòa bình lớn hơn liên quan đến việc Israel tuân thủ kế hoạch rút quân đơn phương do Thủ tướng Ariel Sharon đề xuất vào năm 2003 nhằm dỡ bỏ các khu định cư của Israel trên Dải Gaza.

Đến năm 2005, Israel từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza dưới áp lực trong nước và quốc tế, rút ​​9.000 người định cư và lực lượng quân sự khỏi Gaza.

Phong trào Hamas 

Hamas, một trong hai đảng chính trị lớn ở Palestine, đã xung đột với các nhà lãnh đạo Palestine khi Hiệp định Oslo được ký kết vào những năm 1990. Hamas lên nắm quyền ở Gaza sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006. Và kể từ đó, không có cuộc bầu cử nào được tổ chức cho đến nay.

Chú thích ảnh
Khung cảnh đổ nát ở Gaza sau cuộc tấn công trả đũa của Israel ngày 8/10/2023. Ảnh: Guardian

Được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Gaza và Bờ Tây, Hamas ban đầu là một chi nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo, ủng hộ các nguyên tắc Hồi giáo với niềm tin rằng Hồi giáo nên đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị.

Nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh và Canada, đã liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố vì họ tiến hành các cuộc tấn công vào Israel bằng phóng tên lửa và đánh bom liều chết. Các quốc gia khác, bao gồm cả New Zealand, chỉ coi cánh quân sự của Hamas là nhóm khủng bố.

Là lực lượng nắm quyền ở Gaza, Hamas cũng cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân, như giáo dục và chăm sóc y tế tại bệnh viện.

Hamas nói rằng họ là một phong trào đấu tranh vì tự do nhằm giải phóng người Palestine khỏi sự chiếm đóng và đòi lại phần lớn lãnh thổ Israel. Nhưng hành động của Hamas lại gây chia rẽ trong nội bộ người Palestine vì việc sử dụng bạo lực.

Tình cảnh khó khăn của Gaza

Mặc dù Israel đã từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza nhưng nước này vẫn tiếp tục phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Gaza kể từ năm 2007, gây tổn hại lớn cho người Palestine. Liên hợp quốc cho biết vào năm 2009 rằng việc phong tỏa từ cả Israel và Ai Cập đã gây tổn hại cho người Palestine, "tàn phá sinh kế" và gây ra "sự suy giảm phát triển" dần dần ở Gaza. Israel lập luận rằng việc phong tỏa được thực hiện để giữ quyền kiểm soát biên giới Gaza, cản trở Hamas trở nên mạnh mẽ hơn và bảo vệ người Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của người Palestine.

Chính sách phong tỏa của Israel đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền và Liên hợp quốc. Liên hợp quốc ước tính rằng lệnh phong tỏa đã khiến nền kinh tế vùng lãnh thổ Palestine thiệt hại gần 17 tỷ USD trong khoảng một thập kỷ. Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế còn nói rằng lệnh phong tỏa đã vi phạm Công ước Geneva - một tuyên bố mà các quan chức Israel bác bỏ.

Sau khi bạo lực leo thang ngày 7/10, ông Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, nói với Bộ Tư lệnh miền Nam trong ngày 9/10 rằng sẽ có một cuộc “bao vây toàn diện” Dải Gaza: cắt tất cả điện, thực phẩm và nhiên liệu.

Dải Gaza đông dân cư đông đúc vốn phụ thuộc rất lớn vào nước, điện và thực phẩm của Israel, sẽ khiến hành động phong tỏa nghiêm trọng như vậy có tác động sâu rộng hơn nữa. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Gaza là thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng từ Israel và Ai Cập, hai đối tác thương mại chính của vùng lãnh thổ này. Hầu hết trái cây và rau quả tươi của Gaza đều đến từ các trang trại dọc biên giới với Israel. Gaza cũng nhận phần lớn điện từ Israel, mặc dù dải đất này có một nhà máy điện cũ. Khu vực này có nguồn nước ngầm nhưng nhiều giếng đã bị hủy hoại do ô nhiễm và nước mặn. Hơn 90% nước trong tầng ngậm nước duy nhất của Gaza không thể uống được.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 9/10 cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước kế hoạch của Israel nhằm “bắt đầu một cuộc bao vây toàn diện Dải Gaza”. Ông Guterres nói với các phóng viên ở New York rằng dân thường Palestine đang “bị mắc kẹt và bất lực”, đồng thời kêu gọi Israel cho phép các quan chức cứu trợ và hàng hóa nhân đạo tiếp tục được tiếp cận.

Theo Gisha, một tổ chức phi chính phủ của Israel, hiện có hơn 2 triệu người sống ở Gaza, khiến nơi đây trở thành “một trong những vùng lãnh thổ mật độ dân cư đông nhất thế giới”. Với diện tích chỉ 365km2, dài 41km và rộng từ 6-12km, Dải Gaza chỉ rộng gấp đôi thủ Washington, D.C., nhưng có dân số gấp ba lần.

Dân số ở Gaza cực kỳ trẻ. UNICEF ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em sống ở Dải Gaza, nghĩa là gần một nửa số người ở đây là trẻ em. Còn theo CIA, gần 40% dân số ở đây dưới 15 tuổi. Tỉ lệ đó khiến cho bất cứ thảm họa nhân đạo nào xảy ra ở đây đều trở nên khủng khiếp hơn.

Chú thích ảnh
Có khoảng 1 triệu trẻ em sống ở Dải Gaza, nghĩa là gần một nửa số dân số ở đây là trẻ em. Ảnh: AFP/Getty Images

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Gaza có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới và Liên hợp quốc ước tính rằng khoảng 80% dân số Gaza dựa vào viện trợ quốc tế để tồn tại và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Vì Thành phố Gaza, thủ phủ của Dải Gaza, có mật độ dân số đông hơn Tel Aviv và các thành phố lớn khác trên thế giới như London và Thượng Hải, nên khả năng cao dân thường ở đây sẽ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trả đũa dữ dội mà Israel tiến hành trong những ngày gần đây. Những cuộc xung đột trước đây đã giết chết nhiều trẻ em.

Điều kiện sống ở Gaza rất tồi tệ: 95% dân số không được tiếp cận với nước sạch, theo UNRWA, và tình trạng thiếu điện định kỳ khiến cuộc sống bị đình trệ. Hôm 9/10, Tổng thư ký LHQ Guterres cho biết khoảng 137.000 người Palestine đang trú ẩn trong các trường học và cơ sở do UNRWA điều hành.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post, Time, Guardian)
WHO kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để hỗ trợ người dân tại Dải Gaza
WHO kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để hỗ trợ người dân tại Dải Gaza

Ngày 10/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để ra vào Dải Gaza trong bối cảnh xung đột leo thang tại khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN