Chỉ vài ngày sau khi các tay sung Hamas phát động cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Israel, nhóm vũ trang Hezbollah ở Liban (Lebanon) đã bắn một loạt tên lửa vào khu vực tranh chấp ở biên giới với Israel, bày tỏ “đoàn kết” với người Palestine.
Những cuộc đấu súng qua biên giới tiếp tục qua lại trong nhiều ngày, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng hơn trong khu vực.
Theo hãng tin AP, Israel lo lắng rằng việc một mặt trận mới mở ra ở phía Bắc đất nước có thể thay đổi cục diện cuộc chiến, khi sức mạnh quân sự của Hezbollah vượt trội hơn nhiều so với Hamas. Tuy vậy, cuộc giao tranh cũng có thể có sức tàn phá không kém đối với Hezbollah và Liban.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về Hezbollah và vai trò của lực lượng này trong cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay:
Hezbollah là gì?
Hezbollah là một nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shia và một đảng chính trị lớn có trụ sở tại Liban. Nhóm này được thành lập vào năm 1982, được hỗ trợ bởi Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong bối cảnh cuộc nội chiến Liban và khi Israel xâm chiếm lãnh thổ Liban.
Nhóm này đến nay vẫn được Iran hậu thuẫn và có ảnh hưởng đáng kể đối với nhà nước Liban.
Sức mạnh quân sự của Hezbollah đã tăng lên sau đợt triển khai tới Syria vào năm 2012 để giúp Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phiến quân chủ yếu là người Sunni. Năm 2021, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho biết lực lượng của ông có 100.000 tay súng.
Một số chính phủ, bao gồm Australia, Mỹ, Saudi Arabia, coi toàn bộ Hezbollah là tổ chức khủng bố, trong khi Liên minh châu Âu chỉ coi nhánh quân sự của Hezbollah là tổ chức khủng bố.
Hai nhóm Hamas và Hezbollah có gì khác nhau?
Hai nhóm có chung kẻ thù là Israel, được Iran hậu thuẫn, nhưng họ có những điểm khác biệt.
Trong khi Hezbollah có nguồn gốc từ giáo phái Hồi giáo Shia chiếm ưu thế ở Iran thì Hamas là phong trào Hồi giáo chủ yếu là người Sunni.
Khả năng quân sự của Hezbollah vượt xa Hamas, khiến lực lượng này trở thành đối thủ nguy hiểm hơn đối với Israel. Họ sở hữu vũ khí tinh vi hơn, quân đội được huấn luyện tốt và có kinh nghiệm chiến đấu, đồng thời được cho là có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran.
Hezbollah tham gia vào cuộc xung đột Israel-Hamas ở mức nào?
Hôm 8/10, Hezbollah đã bắn một số tên lửa và đạn pháo vào ba vị trí của Israel trong khu vực tranh chấp ở biên giới giữa Liban và Israel.
Nhóm phiến quân cho biết các tên lửa được bắn "để thể hiện tình đoàn kết" với người dân Palestine. Hashem Safieddine, quan chức cấp cao của Hezbollah, phát biểu tại một sự kiện ở Beirut: “Lịch sử của chúng tôi, súng và tên lửa của chúng tôi luôn ở bên các bạn”.
Ngày 9/10, các tay súng Palestine đã xâm nhập từ Liban vào Israel, dẫn đến cuộc pháo kích của Israel vào miền Nam Liban. Theo hãng tin AP, phía Hamas cho biết họ đã làm bị thương 7 binh sĩ Israel, còn Tel Aviv tuyên bố bắn hạ một số tay súng vượt biên giới vào nước này.
Một quan chức an ninh Liban giấu tên nói với hãng tin AP rằng sáu quả rocket đã được bắn từ miền Nam Liban vào miền Bắc Israel vào tối 10/10, nhưng vẫn chưa rõ ai đã bắn chúng.
Bạo lực xuyên biên giới đánh dấu sự mở rộng đáng kể trong cuộc xung đột giữa Israel và các tay súng Hamas ở Gaza kéo đến biên giới Israel-Liban nằm xa hơn về phía bắc.
Quan chức cấp cao của Hamas, Ali Barakeh, cho biết các đồng minh của họ là Iran và Hezbollah không hề biết trước về cuộc tấn công vào Israel. Tuy nhiên, họ "sẽ tham gia trận chiến nếu Gaza phải hứng chịu một cuộc chiến tranh hủy diệt", ông Barakeh nói với AP tại văn phòng của mình ở thủ đô Beirut, Liban.
Thông tin tình báo ban đầu của Mỹ cho thấy các quan chức cấp cao của chính phủ Iran cũng bất ngờ trước cuộc tấn công hôm 7/10 của Hamas, nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận đầy đủ. Một quan chức Mỹ nói với CNN: “Iran có thể biết Hamas đang lên kế hoạch hoạt động chống lại Israel, nhưng không biết thời gian hoặc phạm vi chính xác của những gì đã xảy ra”.
Hezbollah và Israel đã từng lâm chiến tranh chưa?
Nguy cơ về một mặt trận mới ở Liban đã gợi lại những ký ức cay đắng về cuộc chiến tàn khốc kéo dài hàng tháng giữa Hezbollah và Israel năm 2006, kết thúc trong bế tắc và căng thẳng giữa hai bên.
Israel đặc biệt lo lắng về tên lửa dẫn đường chính xác của Hezbollah, được cho là nhằm vào các mục tiêu chiến lược như giàn khoan khí đốt tự nhiên và nhà máy điện. Hezbollah cũng có bề dày kinh nghiệm chiến đấu sau nhiều năm sát cánh bên cạnh quân đội của Tổng thống Bashar Assad ở nước láng giềng Syria.
Đồng thời, Hamas và Hezbollah ngày càng thân thiết hơn khi các nhà lãnh đạo Hamas chuyển đến Beirut trong những năm gần đây. Mặc dù Hezbollah về cơ bản vẫn đứng ngoài xung đột Israel - Hamas, những người thân cận với nhóm này nói rằng một cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể là nguyên nhân khiến lực lượng này tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột với những hậu quả tàn khốc.
Qassim Qassir, một nhà phân tích người Liban thân cận với Hezbollah, cho biết Hezbollah “sẽ không cho phép Hamas bị tiêu diệt và sẽ không để Gaza một mình đối mặt với một cuộc tấn công trên bộ”. Ông nói với hãng tin AP: “Khi tình hình leo thang hơn nữa, Hezbollah sẽ làm như vậy”.
Một quan chức của một nhóm Liban quen thuộc với tình hình, tiết lộ các chiến binh Hezbollah đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
Theo đài CNN, Israel có lịch sử xung đột lâu dài với cả nhà nước Liban và Hezbollah. Hezbollah là lực lượng dân quân duy nhất còn giữ vũ khí cho đến khi kết thúc cuộc nội chiến ở Liban năm 1990 và tiếp tục chiến đấu chống lại các lực lượng Israel đang chiếm đóng khu vực phía Nam, vốn là nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo dòng Shia.
Sau nhiều năm xung đột, Israel đã rút quân vào năm 2000 nhưng vẫn tiếp tục đụng độ với Hezbollah, đặc biệt là ở Shebaa Farms, khu vực tranh chấp trên biên giới Israel và Liban.
Năm 2006, cuộc xung đột leo thang thành một cuộc chiến tàn khốc kéo dài một tháng, trong đó Israel đánh giá thấp năng lực quân sự của Hezbollah. Cuộc chiến đã giết chết hơn 1.000 người ở Liban, chủ yếu là dân thường và hơn 100 người Israel, chủ yếu là binh lính. Kể từ đó, hai bên chỉ giao tranh lẻ tẻ ở biên giới, tránh xảy ra xung đột lớn.
Chuyện gì xảy ra lúc này?
Hezbollah chưa chính thức tuyên bố sẽ tham gia chiến đấu, nhưng sự liên can của họ đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực.
Đối với Israel, điều đó có nghĩa là họ đồng thời phải chiến đấu với Hamas ở biên giới phía Nam và Hezbollah ở biên giới phía Bắc.
Cũng có những lo ngại rằng sự can dự sâu hơn của Hezbollah cũng có thể dẫn đến nguy cơ Israel trả đũa Iran.
Hãng tin Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo nhóm của ông tiếp cận với các đối tác ở vùng Vịnh và các nước láng giềng để cố gắng ngăn chặn vòng xoáy dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng hơn, đặc biệt tập trung vào việc ngăn chặn Hezbollah mở mặt trận thứ hai ở biên giới phía Bắc của Israel. Ông Biden cảnh báo những "người chơi khác" ở Trung Đông không can dự vào cuộc xung đột Israel - Hamas, đồng thời gửi loạt tàu chiến đến khu vực và cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Israel.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với AP rằng các tàu của Mỹ trong khu vực đã được điều động đến gần hơn để ngăn chặn sự mở rộng của cuộc xung đột chống lại Israel.
Quan chức này cho biết Mỹ lo ngại sâu sắc rằng Hezbollah và các nhóm khác được Iran hậu thuẫn sẽ đưa ra quyết định sai lầm khi mở rộng cuộc chiến.
Anthony Elghossain, một nhà phân tích cấp cao của Viện New Lines có trụ sở tại Washington, cũng nhận định, mặc dù cả Israel và Hezbollah đều không muốn tham gia vào “cuộc xung đột vũ trang đáng kể và kéo dài”, nhưng vẫn có nguy cơ leo thang - ngay cả khi không có một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza - nếu một trong hai bên tính toán sai lầm và vượt qua các quy tắc thông thường.
Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền của Liban Najib Mikati hôm 12/10 đã kêu gọi tất cả các nhóm Liban kiềm chế và không bị lôi kéo vào “các kế hoạch của Israel”, một thông điệp rõ ràng gửi tới Hezbollah.