Sáu ngày sau cuộc tấn công của các chiến binh Hamas nhằm vào dân thường Israel, nước này đã ra lệnh sơ tán hơn 1 triệu người Palestine ở phía bắc Gaza để mở đường cho cuộc tấn công trên bộ chưa từng có nhằm vào Hamas.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố khi các cuộc không kích đang được tiến hành: “Chúng tôi sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas, trụ sở của Hamas, quân đội của Hamas”.
Mỹ và các quốc gia khác đã nhiều lần cảnh báo Israel tuân theo “các luật lệ chiến tranh”. Nhưng đó là gì, và liệu chúng có ngăn được dân thường bị tổn thương không?
Dưới đây là những điều cần biết về luật nhân đạo quốc tế và cách áp dụng chúng trong cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza.
Israel có bị ràng buộc bởi các quy tắc chiến tranh?
Có. Israel đã cam kết tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả những luật theo Công ước Geneva nhằm tìm cách giảm thiểu tác động đối với dân thường, cung cấp viện trợ cho những người bị thương trên chiến trường và không ngược đãi tù nhân chiến tranh.
Nhìn chung, quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng dựa vào các quy tắc tương tự khi tham gia vào các hoạt động quân sự.
Israel khẳng định họ tuân theo các quy tắc chiến tranh và luôn luôn như vậy.
Nhưng có sự bất đồng giữa các nhóm quốc tế về chính xác điều gì được coi là vi phạm trong nhiệm vụ tự bảo vệ mình của một quốc gia trước các cuộc tấn công khủng bố, cũng như liệu Israel có thể bị truy tố thông qua Tòa án Hình sự Quốc tế - một thực thể mà họ không công nhận - hay không.
Các quan chức tại Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu cáo buộc Israel đã vi phạm cam kết không làm hại dân thường khi cắt nước và điện cho tất cả cư dân Gaza, bao gồm cả các bệnh viện. Họ cũng nói rằng không thể đảm bảo an toàn cho nhiều dân thường khi chỉ cho 24 giờ để sơ tán tránh giao tranh.
Cơ quan Y tế Palestine ước tính 1.799 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel, trong đó có 583 trẻ em. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Hamas khiến ít nhất 1.300 người Israel thiệt mạng.
Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, cho biết sự tàn bạo của Hamas không phải là lý do cho phép Israel bất tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Bà nói: “Điều cực kỳ quan trọng là các nhà lãnh đạo Israel và các nhà lãnh đạo toàn cầu phải nói rõ ràng rằng luật nhân đạo quốc tế là một nghĩa vụ. Nó không phải là tùy chọn và các hoạt động quân sự phải được tiến hành tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã chuyển thông điệp đó trực tiếp tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong tuần này, sau đó nói với các phóng viên rằng "điều thực sự quan trọng là Israel, bất chấp tất cả sự tức giận và thất vọng, họ phải tuân thủ các quy tắc chiến tranh".
Các quy tắc sẽ được áp dụng như thế nào trong cuộc xung đột này?
Tuy nhiên, việc tránh gây tổn hại cho dân thường có thể rơi vào vùng xám, đặc biệt khi liên quan đến một chiến dịch trên bộ quy mô lớn diễn ra trên một dải đất cực kỳ hẹp. Gaza là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất trên Trái đất, dài 40km và nơi rộng nhất chỉ khoảng 12km, với trên 2 triệu dân.
Eric Oehlerich, một cựu đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ, nói rằng ngay cả với những vũ khí tinh vi, một chiến dịch như vậy sẽ cực kỳ khó đảm bảo không gây thương vong cho dân thường.
Oehlerich nói: “Không có lực lượng nào trên thế giới có thể đối phó với 40.000 binh sĩ (địch) xen kẽ với dân thường ở khu vực đông dân cư đó” mà “không” có thương vong dân sự. "Điều đó là không thể", ông nói thêm.
Mick Mulroy, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách Trung Đông và sĩ quan hoạt động bán quân sự của CIA đã nghỉ hưu, cho biết: “Một câu hỏi sẽ là điều gì tạo nên một mục tiêu quân sự hợp lệ”.
Israel nói rằng Hamas - vốn không tuân thủ luật nhân đạo trong cuộc tấn công có chủ ý vào dân thường hôm 7/10 - đang sử dụng dân thường và bệnh viện Palestine làm lá chắn.
Mulroy, cũng là cộng tác viên của đài ABC, cho biết: “Nếu Hamas chiếm giữ một tòa nhà – dù đó là bệnh viện hay nhà thờ Hồi giáo – thì nó sẽ trở thành mục tiêu quân sự hợp lệ... Điều đó nói lên rằng, mọi bước hợp lý nên được thực hiện để loại bỏ hoặc giảm bớt thương vong cho dân thường đều phải được thực hiện".
Giải cứu con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza
Oehlerich, người đã tham gia các hoạt động quân sự để giải thoát con tin, cho biết việc giải cứu những con tin đó bằng vũ lực cũng sẽ vô cùng khó khăn. Đó là bởi vì Hamas có thể đã phải nỗ lực rất nhiều để che giấu các con tin, bao gồm cả việc có thể bố trí các đường hầm bí mật hoặc thậm chí dùng chính các con tin như khối thuốc nổ.
Ông Oehlerich cho biết thành công có nhiều khả năng đến thông qua các cuộc đàm phán với các nước trung gian như Ai Cập và Qatar.
Các quan chức Israel nói rằng lực lượng đặc nhiệm của họ đã hoạt động bên trong Gaza trong những ngày qua để tìm cách xác định vị trí con tin. Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Mỹ cũng đang hợp tác với Hội Chữ thập đỏ và Liên hợp quốc để thiết lập các “vùng an toàn” cho thường dân Palestine ở Gaza, cũng như cố gắng thiết lập một hành lang cho người Mỹ và các công dân nước ngoài khác rời khỏi khu vực.
Ngoài ra, vẫn còn câu hỏi về việc có bao nhiêu người vô tội sẽ bị thương hoặc thiệt mạng ở Gaza. Khi được phóng viên hỏi điều gì khiến ông lo lắng nhất về cuộc tấn công trên bộ của Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời chỉ một từ: “Cái chết".