Báo Anh Dailymail trích dẫn xác nhận từ một quan chức cấp cao Mỹ đưa tin: “Hội đồng an ninh quốc gia có người đi cùng Tổng thống Mỹ tới DMZ, nhưng tham gia cuộc hội đàm chính thức chỉ có Ngoại trưởng Pompeo, theo yêu cầu sắp xếp từ Triều Tiên”.
Về phía Triều Tiên, có một thông dịch viên theo sát Chủ tịch Kim Jong-un trong suốt quãng thời gian ông tới DMZ gặp Tổng thống Trump. Hiện vẫn chưa rõ ai đại diện Chính phủ Triều Tiên tham gia cuộc gặp.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter sáng 1/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ ông John Bolton mặc dù không tham gia chuyến thăm DMZ song nhấn mạnh Tổng thống Trump không tham gia một kế hoạch bí mật để Triều Tiên giữ vũ khí hạt nhân cho riêng mình.
Khi được hỏi về thông tin đăng tải trên báo New York Times (NYT) rằng quan điểm về Triều Tiên của chính quyền Washington trong nhiều tháng trở lại đây đã thay đổi và có đề xuất “đóng băng hạt nhân”, cố vấn John Bolton khẳng định không hề có bất kỳ thảo luận nào về vấn đề đó tại Nhà Trắng.
“Tôi đã đọc bài viết trên NYT. Cả hội đồng cố vấn an ninh và tôi chưa bao giờ hoặc chưa nghe thấy về mong muốn “đóng băng hạt nhân” trong vấn đề Triều Tiên. Đây là hành động đáng khiển trách của ai đó nhằm gây trở ngại cho Tổng thống Donald Trump. Nên phải gánh hậu quả”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này hiện chưa sẵn sàng với bất kỳ đề xuất mới nào cho các cuộc đàm phán nhằm hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Khái niệm "đóng băng hạt nhân" về bản chất là duy trì nguyên trạng, không yêu cầu Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân và ngầm chấp nhận Triều Tiên là một nước hạt nhân.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ, Tổng thống Trump đã gợi ý có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt. “Các biện pháp trừng phạt vẫn duy trì song vào một thời điểm nào đó trong quá trình đàm phán mọi thứ vẫn có thể xảy ra”, Tổng thống Trump phát biểu.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại DMZ ngăn cách hai miền Triều Tiên được cho là vượt quá kỳ vọng của Tổng thống Trump. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm gần 1 tiếng tại Nhà Tự do ở làng đình chiến Panmunjom và quyết định thành lập nhóm đàm phán để khởi động lại đàm phán cấp chuyên viên trong vòng 2-3 tuần tới.
Chuyến thăm đã khiến Tổng thống Trump một lần nữa làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đến nay. Chuyến thăm có ý nghĩa biểu tượng quan trọng và phát đi những tín hiệu tích cực nhằm phá vỡ thế bế tắc của đối thoại Mỹ-Triều, tiếp thêm động lực mới cho vòng đàm phán cấp chuyên viên mới giữa hai nước.