Tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra sau khi trước đó một ngày, ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại Tòa nhà Tự do bên phần lãnh thổ Hàn Quốc ở Khu phi quân sự (DMZ) và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ vào đầu năm nay.
Ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên. Tổng thống Trump nhấn mạnh "bước qua ranh giới đó là một vinh dự lớn", đồng thời cho biết thêm rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có một "tình bạn tuyệt vời".
Đây được xem là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với Mỹ và Triều Tiên, đồng thời là hình ảnh biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương. Chỉ có hai cựu Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm tới CHDCND Triều Tiên, đó là ông Jimmy Carter vào tháng 6/1994 và ông Bill Clinton vào tháng 8/2009. Tháng 8/2010, ông Carter đã trở lại Triều Tiên lần thứ hai. Cả hai chính khách này đều đã đến Triều Tiên sau khi họ rời nhiệm sở.
Tính đến nay, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau 3 lần để đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/7 khẳng định Washington hiện không chuẩn bị bất cứ đề xuất mới nào cho các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra nhằm đính chính thông tin trên báo New York Times rằng Washington có thể chấp nhận việc phong tỏa hạt nhân mà không cần Bình Nhưỡng hoàn thành phi hạt nhân hóa. Khái niệm phong tỏa hạt nhân về bản chất là duy trì hiện trạng và ngầm chấp nhận Triều Tiên là một nước hạt nhân.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi không sẵn sàng với bất kỳ đề xuất mới nào hiện nay. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và được kiểm chứng đầy đủ của Triều Tiên".