Tờ Guardian (Anh) đánh giá ngoài cái bắt tay với Chủ tịch Kim Jong-un và đặt chân lên đất Triều Tiên, Tổng thống Trump còn hội đàm riêng cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên trong vòng một tiếng đồng hồ tại DMZ. Sau sự kiện này là những kết quả rất rõ ràng.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội ngày 28/2 kết thúc mà hai bên không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ ngày 30/6 này, hai nhà lãnh đạo nhất trí phái đoàn đàm phán cấp chuyên viên của Mỹ và Triều Tiên sẽ tái khởi động đối thoại trước trung tuần tháng 7. Điều đáng lưu tâm hiện nay là liệu những cuộc gặp sắp tới sẽ đem lại kết quả gì.
Nhiều nhà quan sát cho rằng mục tiêu chiến lược của Triều Tiên là Chủ tịch Kim Jong-un chấp nhận bị kiểm soát về vũ khí thay vì phi hạt nhân hóa. Thỏa thuận như vậy được đánh giá gây khó khăn cho Tổng thống Trump bởi không bằng cả Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được năm 2015. Khi đó, Iran chấp nhận không sản xuất vũ khí hạt nhân trong một năm để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Người có thể nhận trọng trách dẫn dắt nhóm đàm phán của Mỹ với Triều Tiên được cho là ông Stephen Biegun – nhân vật đã đàm phán theo phương pháp từng bước một trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Lần này, Tổng thống Trump cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã “giao nhiệm vụ phụ trách đoàn Triều Tiên cho nhân vật chúng ta biết và yêu thích”. Tuy nhiên Tổng thống Trump không nêu rõ danh tính của nhân vật này.
Nhiều chuyên gia cho rằng động lực khiến Tổng thống Trump vào ngày 29/6 ngỏ lời trên mạng xã hội Twitter mời Chủ tịch Kim Jong-un gặp gỡ tại DMZ ở biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên chủ yếu bắt nguồn từ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Cuộc gặp tại DMZ còn được coi có mục đích "hình thành câu chuyện". Đó có thể là lý do Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton – người có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên - không hề xuất hiện trong sự kiện mà lại đến Ulaanbaatar (Mông Cổ).
Trong khi đó, thành viên hộ tống Tổng thống Trump lại là người dẫn chương trình của kênh Fox News là Tucker Carlson. Fox News là kênh truyền thông chính ủng hộ Tổng thống Trump theo chủ trương không can thiệp.
Guardian đánh giá thời điểm nguy hiểm nhất xảy ra vào năm đầu Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo liên lục địa, đồng thời hai nhà lãnh đạo “khẩu chiến” qua lại. Nhưng lần này, Tổng thống Trump đã thực hiện điều chưa từng có người tiền nhiệm nào làm được, đó là bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi đây là “vinh dự” và "lịch sử", cũng như khẳng định Chủ tịch Kim Jong-un sẽ được chào đón tại Nhà Trắng.