Trong những sự kiện liên quan đến Mỹ-Triều Tiên trước đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thường đóng vai trò trung gian. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 2 và hai bên không có tuyên bố chung thì tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình với Triều Tiên lại tăng mạnh trở lại.
Trong khi đó, Triều Tiên lại thử tên lửa tầm ngắn và tuyên truyền phản đối Hàn Quốc. Đây được coi là động thái trách móc của Triều Tiên đến Hàn Quốc vi không thể góp phần hỗ trợ giảm các lệnh trừng phạt. Trong tháng 6, Ngoại trưởng Triều Tiên cho biết: “Mối quan hệ giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Trump đang hướng tới phía trước trên nền tảng quan hệ cá nhân. Chính quyền Hàn Quốc nên dành quan tâm đến việc riêng của họ”.
Khi mục đích chính của Triều Tiên là nới lỏng lệnh trừng phạt không thể đạt được ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Trung Quốc đã ra tay hỗ trợ. Kênh CNN (Mỹ) cho biết Trung Quốc luôn là đồng minh kinh tế lớn nhất của Triều Tiên. Mặc dù Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc lên Triều Tiên do Bình Nhưỡng thử tên lửa và hạt nhân nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh xuôi theo chiến dịch “tăng áp lực tối đa” của Tổng thống Trump.
Cuộc gặp lần thứ ba của Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 30/6 tại khu vực phi quân sự (DMZ) ngày 30/6 vừa qua đã tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Trước đó, ông cũng hạ nhiệt căng thẳng chiến tranh thương mại với Trung Quốc sau cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản. Tổng thống Trump đã dỡ bỏ một số hạn chế đối với tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.
Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã nhận được điều ông muốn từ cuộc gặp tại Nhật Bản với Tổng thống Trump. Hiện cũng chưa rõ liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc có tận dụng tiếng nói của bản thân với Chủ tịch Kim Jong-un để Tổng thống Trump đạt được điều ông mong muốn.
Về mặt lý thuyết, các chính phủ sẽ xem xét tranh chấp và khúc mắc giữa hai quốc gia một cách riêng biệt tuy nhiên trong trường hợp này lại có thể mang khác biệt.
Hồi tháng 5, Tổng thống Trump từng ngụ ý rằng thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh có thể bao gồm giảm sức ép lên Huawei mặc dù Mỹ luôn lo ngại rằng công ty này gây nguy hiểm về an ninh và kinh tế. Về Triều Tiên, ông Trump cũng khẳng định sự hỗ trợ của Trung Quốc với Triều Tiên có thể đem về lợi ích cho Bắc Kinh.
Trước đó năm 2017, ông Trump từng đánh giá: “Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn với Triều Tiên. Trung Quốc sẽ ra quyết định về việc có hỗ trợ chúng tôi hay không liên quan đến Triều Tiên. Nếu Bắc Kinh làm như vậy thì điều đó sẽ rất tốt cho họ, nếu không thì chẳng bên nào được lợi cả”.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế tiềm tàng khi đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên từ đó nới lỏng lệnh trừng phạt. Một thị trường Triều Tiên được mở cửa sẽ là “mảnh đất hứa” đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
CNN đánh giá Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đứng ở cả hai phía bao gồm gây áp lực lên Bình Nhưỡng để hạn chế thử tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng vẫn hỗ trợ khi cần thiết.
Trong khi đó, cả Trung Quốc và Triều Tiên có đề nghị đối với Mỹ là giảm nhẹ lệnh trừng phạt và chiến tranh thương mại nhưng nhiều khả năng điều này khó đạt được khi Tổng thống Trump không sẵn sàng thỏa hiệp.
Một giả thiết khác được đưa ra là Trung Quốc đồng ý tạo ảnh hưởng khiến Triều Tiên chấp thuận thời hạn phi hạt nhân hóa và cho phép cộng đồng quốc tế thanh tra để đổi lại được nới lỏng lệnh trừng phạt và hạ nhiệt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên giải pháp này được cho khá khó khăn và không đem lại lợi thế lớn nào cho các bên.