Bất ngờ và ngẫu hứng
Khác với hai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore và Việt Nam trước đó được chuẩn bị kỹ lưỡng tới từng chi tiết, cuộc gặp thứ ba này diễn ra rất ngẫu hứng, bất ngờ. Nếu như hai cuộc gặp trước, hai bên mất nhiều thời gian để lên kế hoạch, thì cuộc gặp thứ ba này diễn ra chỉ 1 ngày sau lời mời phi truyền thống qua mạng xã hội Twitter của nhà lãnh đạo Mỹ.
Tổng thống Trump ngày 29/6 viết trên Twitter: “Sau một số cuộc gặp rất quan trọng, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình, tôi sẽ rời Nhật Bản tới Hàn Quốc cùng Tổng thống Moon Jae-in. Khi ở đó, nếu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhìn thấy dòng này, tôi sẽ gặp ông ấy ở biên giới/Khu vực phi quân sự chỉ để bắt tay và nói xin chào”.
Theo tờ Nikkei, Triều Tiên đã trả lời dòng tweet của Tổng thống Trump chưa đầy một giờ sau đó. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết phía Mỹ đã hoài nghi, không rõ liệu Chủ tịch Kim Jong-un có xuất hiện hay không. Phải đến khi ông Kim Jong-un thực sự tới, họ mới tin.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 30/6, khi bắt tay Chủ tịch Kim Jong-un tại đường ranh giới trong khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên, Tổng thống Trump đã hỏi: “Ông có muốn tôi bước sang không? Tôi không có vấn đề gì”. Khi ở trên lãnh thổ Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã bắt tay sau đó trở lại phần lãnh thổ Hàn Quốc sau khoảng một phút.
Sau cái bắt tay lịch sử trên lãnh thổ Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã hội đàm kín gần một giờ trong Nhà Tự do. Hai bên đã đồng ý khôi phục đàm phán cấp chuyên viên vốn đã đình trệ từ tháng 2. Tổng thống Trump cho biết các nhóm đàm phán sẽ bắt đầu họp trong vòng 2-3 tuần tới.
Chính phủ Triều Tiên đã ca ngợi cuộc gặp lịch sử của hai nhà lãnh đạo, gọi đây là một sự kiện tuyệt vời. Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, Chủ tịch Kim Jong-un cho rằng chính nhờ mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Trump mà cuộc gặp ấn tượng như vậy mới có thể diễn ra. Quyết định táo bạo của hai nhà lãnh đạo đã tạo ra niềm tin chưa từng có tiền lệ giữa hai nước vốn chống đối, thù địch hơn 6 thập kỷ qua.
Cuộc gặp phá vỡ bế tắc
Cuộc gặp trong chưa đầy một giờ nhưng được xem là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với Mỹ và Triều Tiên, đồng thời là hình ảnh biểu tượng cho quá trình hàn gắn quan hệ song phương.
Theo tờ National Interest, hành động bắt tay và bước sang lãnh thổ của Triều Tiên của Tổng thống Trump mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Nó cho thấy đình trệ trong đàm phán hiện nay có thể chỉ là một bước lùi tạm thời và mối quan hệ thân tình giữa hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã giúp đàm phán trở lại đúng hướng.
CNN cũng nhận định mặc dù không có cam kết mới nào trong cuộc gặp ngắn, ngoại trừ việc đồng ý nối lại đàm phán hạt nhân song những gì diễn ra tại Khu DMZ, một di sản Chiến tranh Lạnh và chính là biểu tượng cho sự thù địch giữa hai bên, đã phá vỡ thế bế tắc kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên cách đây 4 tháng, đồng thời dấy lên hy vọng về những bước đột phá trong thời gian tới. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc họp cấp chuyên viên, trong đó hai bên có thể kiểm tra xem đối phương có giảm bớt kỳ vọng để thu hẹp khoảng cách hay không.
Theo ông Hong Min, thành viên nghiên cứu Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, với cuộc gặp bất ngờ và ngẫu hứng trên, hai bên đã tạo ra được bầu không khí tốt để tìm kiếm một quan điểm chung ở mức độ nào đó trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Ông nói: “Khi hai nhà lãnh đạo tìm cách xây dựng lại niềm tin, họ sẽ tránh các phương pháp cũ mà họ từng theo đuổi trước đó và thể hiện sự linh hoạt trong các đàm phán cấp chuyên viên sắp tới”.
Video Tổng thống Trump đi 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên (nguồn: RT):
Theo hãng tin AP, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 2/7 đã ca ngợi cuộc gặp thứ ba giữa lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên, coi đây là kết quả có được nhờ cách nghĩ thoáng và mềm dẻo. Ông Moon Jae-in khẳng định cuộc gặp đã chấm dứt thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên và khởi động một kỷ nguyên hòa bình mới.
AP cho rằng cuộc gặp thứ ba có thể tạo động lực để hai bên xúc tiến thêm giải pháp ngoại giao, trong đó có đàm phán cấp chuyên viên nhằm thống nhất thỏa thuận hai bên có thể chấp nhận.
Con đường dài phía trước
Dù được đánh giá là có thể phá vỡ bế tắc nhưng cuộc gặp ngắn của hai lãnh đạo chưa thể thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa nhanh hơn. Đơn giản là khoảng cách giữa quan điểm hai nước trong đàm phán hạt nhân còn khá xa.
Mặc dù Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã nhất trí ở Singapore là phối hợp để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, nhưng các quan chức Mỹ thừa nhận rằng Washington và Bình Nhưỡng chưa thống nhất được định nghĩa phi hạt nhân hóa.
Phía Triều Tiên khẳng định họ coi phi hạt nhân hóa không có nghĩa là Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, Triều Tiên muốn Mỹ thực hiện các bước đi đôi bên cùng có lợi, trong đó có chấm dứt các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên hợp quốc áp đặt, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội, Chủ tịch Kim Jong-un đã đề nghị dỡ bỏ một khu phức hợp hạt nhân chính để đổi lại việc Mỹ bỏ một số biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối đề nghị này và muốn Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân rồi mới được giảm trừng phạt.
Sau khi rời Việt Nam mà không đạt thỏa thuận, Chủ tịch Kim Jong-un đã cho Mỹ thời gian đến cuối năm nay để đưa ra một đề nghị mới phù hợp. Các chuyên gia đều nhận định tiến trình phi hạt nhân hóa là không dễ dàng và còn dài. Bản thân Tổng thống Trump cũng ý thức được điều đó khi nói rằng ông có thời gian và không vội vàng.
Theo ông Joseph Yun, cựu Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên, Tổng thống Trump bắt đầu nhận ra rằng phi hạt nhân hóa là một mục tiêu cần rất nhiều thời gian mới đạt được và ông không thể đạt được chỉ trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Joseph Yun nói: “Khi tất cả những cuộc gặp này qua đi, kho vũ khí hạt nhân hay tên lửa Triều Tiên vẫn chưa giảm”.
Có thể nói, tất cả những cuộc gặp nói trên đều diễn ra một phần nhờ mối quan hệ giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Trump. Từ khi mối quan hệ giữa hai người ấm dần lên, Triều Tiên chưa thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa nào. Điều này là đáng lưu ý vì trong giai đoạn từ 2012-2017, Triều Tiên đã thực hiện 94 vụ thử tên lửa.
Nếu như tất cả những gì Tổng thống Trump muốn là khiến Triều Tiên ngừng thử tên lửa, thì ông đã thành công. Tuy nhiên, sau cuộc gặp thứ ba tại Khu vực phi quân sự, các bên đều hy vọng sẽ có nhiều nỗ lực nữa để đạt được mục tiêu tham vọng hơn.