Chuyến thăm của Tổng thống Trump đến khu DMZ diễn ra một ngày sau khi ông ngỏ lời trên Twitter mời Chủ tịch Kim Jong-un gặp mặt tại nơi được xem là đường biên giới Chiến tranh Lạnh cuối cùng trên thế giới.
Dưới đây là các thông tin chi tiết về DMZ từ thời cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 – 1953, nơi quân Hàn Quốc được liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn chiến đấu với quân Triều Tiên và lính viện trợ Trung Quốc.
DMZ nằm ở đâu?
Khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc rộng 4km, trải dài 250km trên Bán đảo Triều Tiên, với gần 50km nằm ở phía Bắc Seoul và 200km ở phía Nam Bình Nhưỡng.
Tại trung tâm của nó là Đường phân định quân sự (MDL), nơi từng là tiền tuyến khi các bên ký kết lệnh ngừng bắn tạm ngưng chiến tranh năm 1953. Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí lui quân 2.000m. Đối với Seoul, họ đã thiết lập một vùng đệm xa hơn với chiều rộng khác nhau, hạn chế dân thường tiếp cận.
DMZ là gì?
Theo quy định chung giữa hai nước, đó là một rào chắn chia cắt hai miền Triều Tiên. Bên trong DMZ cấm sử dụng vũ khí hạng nặng nhưng có bố trí rải rác một số bãi mìn. Lực lượng tuần tra được phép hoạt động nhưng không thể vượt qua MDL. Bên cạnh đó, mỗi bên không được vào DMZ quá 1.000 người cùng lúc.
Khu vực xung quanh DMZ chính là một trong những nơi được canh giác nghiêm ngặt nhất hành tinh với đầy rẫy khẩu đội pháo, trại lính và bãi mìn.
DMZ trông thế nào?
Trong hơn nửa thế kỷ qua, rất ít người được đặt chân đến DMZ. Phần lớn khu vực này là cánh rừng tươi tốt, nơi trú ngụ các loài động - thực vật quý hiếm bởi môi trường sống của chúng ở chỗ khác đã bị phá hủy do quá trình phát triển kinh tế. Bên trong DMZ, các tháp canh mọc nhô lên trên những đỉnh đồi và hàng rào thép gai vây kín đường bao.
Nhà lãnh đạo nào từng đến đây?
Mỹ và Hàn Quốc từ lâu đã hợp tác an ninh chặt chẽ và đến thăm DMZ dường như trở thành thứ nghi lễ không thể thiếu đối với các nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống George W. Bush từng đến đây tháng 2/2002. Sau đó, Tổng thống Barack Obama đến đây năm 2012. Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence cũng đặt chân đến vùng ranh giới này tháng 4/2017 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Ông Donald Trump từng có kế hoạch đến DMZ liên Triều 7 tháng sau đó song trực thăng của ông đã buộc phải quay đầu vì sương mù dày đặc. Đáng chú ý nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã hai lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Panmunjom – “làng đình chiến” bên trong DMZ.
Xem video Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại DMZ ngày 30/6. Nguồn: CNA
Còn được gọi là Vùng an ninh chung (JSA), Panmunjom là tập hợp các ngôi nhà, trung tâm là những căn lều họp nhóm màu xanh da trời của Liên hợp quốc trên MDL, vốn là biểu tượng chia cắt hai miền Bán đảo Triều Tiên.
Hiệp định đình chiến năm 1953 đã được ký kết tại một ngôi nhà thuộc về phía Triều Tiên. Panmunjom cũng là nơi xảy ra “vụ sát hại bằng rìu” năm 1976, khi hai binh sĩ Mỹ đang chặt một cái cây che khuất tầm nhìn thì bị lính Triều Tiên tấn công đến chết. Đây cũng là khu vực duy nhất trong DMZ nơi binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc đứng mặt đối mặt, mặc dù theo điều khoản của thỏa thuận liên Triều do hai nhà lãnh đạo ký năm 2018, họ không còn đeo vũ khí nữa.