Ông David Miller tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson cho biết câu trả lời nhanh chóng nhất là bản chất của khủng hoảng quan hệ Mỹ-Iran hiện nay. Tình hình trở nên xấu đi sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Chính quyền Iran không mấy hào hứng với đối thoại ngay vả khi Tổng thống Trump từng mở lời muốn trao đổi với Tổng thống Hassan Rouhani không cần điều kiện tiên quyết.
Câu hỏi khó lý giải hơn là tại sao Tổng thống Trump lại có thể nhiều lần gặp gỡ đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên nhưng về phần lãnh đạo Iran lại không như vậy? Có phải trong tâm trí của Tổng thống Trump, Triều Tiên là đối tác “có thể chấp nhận được” hơn Iran? Điều gì khiến Triều Tiên thật khác biệt?
Tuy trong năm đầu Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng, tình hình Mỹ-Triều Tiên căng thẳng ở mức cao và hai nhà lãnh đạo khẩu chiến qua lại nhưng thời gian sau đó, Tổng thống Trump đã vài lần dành những “lời có cánh” cho Chủ tịch Kim Jong-un, khen ngợi những bức thư nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi.
Dường như Tổng thống Trump cảm nhận được rằng không giống như Iran, Triều Tiên có thể là “tấm vé” đưa tên của ông đi vào lịch sử và có thể là cả giải Nobel Hòa bình.
Trong khi đó Iran lại là câu chuyện khá phức tạp.
Đối với Triều Tiên, Tổng thống Trump có phương pháp ngoại giao riêng đặc biệt. Trong khi tâm trí Tổng thống Trump lại “rối bời” hơn về Iran bởi những vấn đề diễn ra từ trước đó.
Trong thời gian vận động tranh cử cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Trump đã dành nhiều thời lượng để chỉ trích thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 và công kích cựu Tổng thống Barack Obama.
Trên thực tế, Tổng thống Trump đã từ bỏ rất nhiều “di sản” của chính quyền ông Barack Obama, từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho tới thỏa thuận về biến đổi khí hậu, nhập cư…
Nói ngắn gọn thì trong con mắt Tổng thống Trump vấn đề Iran là “quá khứ” có dính líu tới ông Obama.
Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của Iran đối với khu vực cũng khiến các cố vấn của Tổng thống Trump để mắt.
Yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng tới cách ứng xử của Tổng thống Trump đối với Iran và Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc luôn lo ngại về cách ứng xử mạnh tay đối với Triều Tiên. Trong khi đó, không mấy ưa Iran là Israel với vị Thủ tướng Benjamin Netanyahu luôn “hết mình” để “đánh chìm” thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015.