NATO thực sự đẩy Kiev rơi vào tình huống cưỡng chế trong cuộc xung đột, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Rossiiskaya Gazeta của Nga ngày 17/9. "Hôm nay Ukraine phải đối mặt với sự lựa chọn – tiếp tục đi trên con đường hòa bình và đối thoại mang tính xây dựng hoặc rơi vào chủ nghĩa độc tài và chế độ dân tộc cực đoan", ông Lavrov nói, lưu ý rằng "điều này sẽ do Kiev và xã hội Ukraine quyết định".
Moskva cũng tin rằng một cơ hội thực sự đã xuất hiện để ngăn chặn một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Ukraine. "Cùng với việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, điều cần thiết là phải bắt đầu một cuộc đối thoại thực chất, cởi mở và có sự tham gia của đại diện tất cả các khu vực và tất cả các lực lượng chính trị càng sớm càng tốt. Có một sự cần thiết của việc thảo luận về phạm vi các vấn đề liên quan đến hệ thống hiến pháp, tương lai của đất nước nói chung, nơi mà tất cả các dân tộc, vùng thiểu số và các khu vực mà vấn đề nhân quyền sẽ được thực thi đầy đủ trên tất cả các mặt", Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang hơn nữa, ông Sergey Lavrov cho rằng điều cực kỳ quan trọng là "tất cả các lực lượng bên ngoài cần phải kiềm chế" nhưng "thật không may, điều này không thể không được nhắc tới về những hành động của một số đối tác phương Tây, thay vì phân tích một cách nghiêm túc những khó khăn về tiến trình chính trị và xã hội của quốc gia đó thì họ lại đổ hết trách nhiệm về các sự kiện gần đây vào Nga”.
Ngoại trưởng Nga lưu ý "vai trò phá hoại" của NATO trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine. "Đặc biệt, liên minh này đã bảo đảm tăng cường tiềm lực quân sự cho Ukraine, được cho là sẽ được sử dụng để chống lại dân thường. Lãnh đạo NATO ủng hộ các ý định của những thành viên tăng cung cấp thiết bị đặc biệt và quân sự cho Ukraine, vốn có thể được sử dụng cho các vụ đàn áp trong nước. Vì vậy, Kiev là thực sự bị đẩy đến một giải pháp cưỡng chế trong cuộc xung đột", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết.
"Bản chất của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Anh về tình hình ở Ukraine cùng với tuyên bố kế hoạch tổ chức tập trận chung của các quốc gia NATO và Kiev trên lãnh thổ Ukraine trước khi kết thúc năm nay rõ ràng là không nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình và chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong xã hội Ukraine", ông Lavrov nói.
Tuy nhiên, Nga đã sẵn sàng "hợp tác với các đối tác phương Tây trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine" và "chúng tôi hy vọng rằng Mỹ và EU sẽ sử dụng ảnh hưởng của họ để khuyến khích chính quyền Ukraine để đạt được hòa bình", ông Lavrov cho biết.
ông Lavrov cho rằng những cáo buộc về sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine là một phần của cuộc chiến tranh thông tin. |
Khi được hỏi về quan điểm ông đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moskva, Ngoại trưởng Nga nhận định: "Chúng tôi đã nhiều lần đánh giá về tính thực tế của các biện pháp trừng phạt nói chung. Chúng tôi cho rằng những nỗ lực gây ảnh hưởng đến tình hình khủng hoảng bằng các biện pháp đơn phương, vượt ra khỏi khuôn khổ các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trái với các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, là đe dọa hòa bình và ổn định quốc tế. Ngoài ra, các biện pháp đó là con dao hai lưỡi và thường gây nguy hiểm hơn đối với chính họ thay vì đối với những mục tiêu mà họ nhằm vào. Rõ ràng là việc tiếp tục tạo ra áp lực trừng phạt đối với Nga sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ của Ukraine, mà sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự bế tắc và tiến hành đối thoại".
Ngoài ra, ông Lavrov cũng cho biết những cáo buộc về sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine là một phần của cuộc chiến tranh thông tin.
"Chúng tôi coi những tuyên bố như vậy là biểu hiện của chiến tranh thông tin. Tố cáo sự can thiệp quân sự của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine được thực hiện không phải là lần đầu tiên, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, chúng tôi bị đổ lỗi cho gần như tất cả mọi thứ. Trong khi đó, Nga cũng không tạo ra bất kỳ sự kiện nào. Thiếu bằng chứng, cố tình im lặng và bóp méo sự thật là một đặc điểm điển hình về mặt ngoại giao của Mỹ và một số nước châu Âu. Điều này cũng liên quan đến những cáo buộc về sự di chuyển của quân đội Nga và việc điều tra vụ tai nạn máy bay MH17 của Malaysia, thảm kịch tại Maidan (Quảng trường Độc lập, trung tâm của Kiev) hoặc các sự kiện ở thành phố Odessa (thành phố cảng của Ukraine ở Biển Đen) và nhiều tình huống khác”, nhà ngoại giao Nga kết luận.
CT (Theo Itar-Tass)