Nghi vấn quân đội Israel sử dụng truyền thông để đánh nghi binh Hamas

Tờ mờ sáng 14/5, truyền thông nhận được thông báo từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF): “Không quân và bộ binh hiện đang tấn công Dải Gaza”.

Chú thích ảnh
Xe quân sự Israel phóng hơi cay vào người biểu tình Palestine tại Bờ Tây. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết thông báo này khiến dư luận dậy sóng cho rằng Israel thực hiện tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza. Đây là viễn cảnh gây lo ngại về bạo lực leo thang dẫn đến đổ máu.

Vài giờ sau đó, IDF lại đính chính rằng không hề có binh sĩ bên trong Dải Gaza. Nhưng ở thời điểm này, một số hãng truyền thông đã đưa tin chiến dịch trên bộ đang tiến hành.

Trong khi IDF cố gắng khiến diễn biến này chỉ là hiểu lầm nhưng nhiều nhà bình luận quân sự cho rằng quân đội Israel thực chất tận dụng truyền thông để “lùa” thành viên phong trào Hamas vào bẫy để có thể xử lý số lượng lớn.

Theo đó, vào tối 13/5, sau vài ngày không kích, Israel thông báo đã triệu tập hàng nghìn binh sĩ và lính dự bị dọc biên giới trước khả năng bị tấn công trên bộ. Trong những lần đụng độ trước đây, tấn công trên bộ thường dẫn đến hủy hoại rộng rãi tại Dải Gaza và thương vong lớn từ cả hai bên.

Phóng viên từng phụ trách mảng quân sự tại Channel 13 TV (Israel), bà Or Heller đánh giá đây chính là tiền đề cho diễn biến sáng sớm 14/5.

Theo bà Heller, Israel điều quân dọc biên giới tạo cảnh tượng như chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ. Sau đó họ thông báo với truyền thông nội dung được đăng bằng cả tiếng Hebrew của người Do Thái và tiếng Arab trên mạng xã hội Twitter. Nhiều kênh truyền thông lớn, thậm chí có cả tờ New York Times (Mỹ) cho rằng một cuộc xung đột trên bộ sắp diễn ra.

Bà Heller cho biết động thái trên khiến các thành viên của Hamas nhanh chóng vào vị trí phòng thủ tại mạng lưới đường hầm dưới mặt đất.

Israel sau đó điều 160 chiến đấu cơ tấn công nhằm vào mạng lưới đường hầm trong 40 phút. Quân đội Israel xác nhận đã dùng 80 tấn thuốc nổ để xử lý các đường hầm của phong trào Hamas.

Bà Heller kết luận đây là “chiến dịch tinh vi có cả yếu tố truyền thông”. Phía phong trào Hamas chưa lên tiếng về số thương vong trong vụ việc.

Chú thích ảnh
Người biểu tình Palestine tạ thành phố Nablus ở Bờ Tây ngày 14/5. Ảnh: AP

Trong một diễn biến liên quan, đến sáng 15/5, Israel đã không kích Dải Gaza trong khi phiến quân Hamas cũng đáp trả bằng rocket. Theo AP tính từ ngày 10/5 khi bạo lực bùng phát, đã có 132 người tử vong tại Dải Gaza, trong đó có 32 trẻ em và 21 phụ nữ, 90 người khác bị thương. Phía Israel ghi nhận 8 người tử vong gồm binh sĩ và người dân thường.

Trước tình hình bạo lực leo thang, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây thương vong cho người dân thường. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 16/5 dự kiến tổ chức phiên họp để thảo luận về tình hình tại Dải Gaza. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ Hady Amr có lịch trình gặp các nhà lãnh đạo Israel ngày 15/5 sau đó ông sẽđàm phán với các quan chức Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảnh báo phong trào Hamas sẽ “phải trả giá đắt” vì các vụ tấn công. Quân đội Israel cho biết kể từ 10/5, phong trào Hamas đã phóng 2.000 tên lửa hướng đến Israel nhưng phần lớn đã bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không của nước này.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mạng lưới đường hầm phong trào Hamas dựng để qua mặt Israel
Mạng lưới đường hầm phong trào Hamas dựng để qua mặt Israel

Israel khẳng định vụ đánh bom tối 13/5 đã xóa sổ được nhiều đường hầm do phong trào Hamas đào tại Dải Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN