Theo trang RT (Nga), tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã được phóng thành công từ Bãi phóng Văn Xương vào ngày 23/7/2020 và quay quanh sao Hỏa kể từ ngày 10/2 năm nay. Sứ mệnh liên hành tinh này là nỗ lực thứ hai của Trung Quốc nhằm tiếp cận "hành tinh Đỏ” sau sứ mệnh sao Hỏa năm 2011 của tàu thăm dò Huỳnh Hoả 1 (Yinghuo-1).
Dẫn nguồn tin CNSA, truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận tàu Thiên Vấn 1 đã hạ cánh thành công xe tự hành Chúc Dung (Zurong) xuống bề mặt sao Hoả vào sáng 15/5.
Tàu Thiên Vấn 1, nặng 5.000kg, bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một xe tự hành có kích thước bằng xe đánh golf được gọi là Chúc Dung, đặt theo tên của một vị thần lửa cổ đại trong thần thoại Trung Quốc.
Mang theo xe tự hành Chúc Dung, tàu đổ bộ đã chịu đựng "7 phút kinh hoàng" khi nó lao qua bầu khí quyển của sao Hoả nhờ một chiếc dù hỗ trợ đổ bộ. Con tàu hạ cánh xuống vùng Utopia Planitia, cùng khu vực mà sứ mệnh Viking 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh vào năm 1976.
Xem video mô phỏng cú hạ cánh xuống sao Hoả của tàu đổ bộ Trung Quốc: (Nguồn: Global Times)
Trước đó, trong một tuyên bố cùng ngày, CNSA cho biết, "tàu thăm dò Thiên Vấn 1 đã hoạt động bình thường kể từ khi phóng thành công vào ngày 23/7/2020". Cơ quan này bổ sung thêm rằng họ đã thu thập được một “lượng lớn” dữ liệu khoa học khi tàu Thiên Vấn 1 bay quanh quỹ đạo sao Hỏa.
"Với việc đánh giá tình trạng chuyến bay, tàu thăm dò Thiên Vấn 1 được lên kế hoạch thực hiện chiến dịch hạ cánh nhắm vào khu vực Utopia Planitia tại vị trí thích hợp từ sáng sớm ngày 15/5 đến ngày 19/5 theo giờ Bắc Kinh", tuyên bố của CNSA cho biết.
Bồn trũng Utopia là khu vực lòng chảo được công nhận là lớn nhất trên sao Hoả, với đường kính khoảng 3.300 km.
Trang The Verge cho biết, theo kế hoạch, Trung Quốc dự kiến hạ cánh một cặp robot lên bề mặt sao Hoả, thực hiện nỗ lực táo bạo để trở thành quốc gia thứ hai hạ cánh thành công và vận hành một tàu thám hiểm trên Hành tinh Đỏ.
Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 không người lái từ đảo Hải Nam, miền nam nước này vào tháng 7/2020, với mục tiêu đưa một thiết bị tự hành đáp xuống bề mặt sao Hỏa để thu thập dữ liệu về nguồn nước ngầm và tìm kiếm những tín hiệu có thể có về sự sống cổ xưa ở nơi đây. Cho tới nay mới chỉ có Mỹ thực hiện thành công kỹ thuật đưa thiết bị tự hành đáp xuống và vận hành được trên Sao Hỏa.
Sau hành trình gần 7 tháng, tàu Thiên Vấn 1 đã di chuyển thành công vào quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 10/2 và sau đó đã gửi về Trái đất nhiều bức ảnh độ nét cao về bề mặt hành tinh Đỏ.
“Nhiệm vụ chính của Thiên Vấn 1 là thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu và sâu rộng về toàn bộ sao Hoả bằng cách sử dụng tàu quỹ đạo và đưa tàu thăm dò đến các vị trí bề mặt mà giới khoa học quan tâm để tiến hành các cuộc điều tra chi tiết với độ chính xác và độ phân giải cao”, các nhà khoa học hàng đầu của sứ mệnh Thiên Vấn 1 viết trên tạp chí Nature Astronomy vào năm ngoái.
Sứ mệnh Thiên Vấn 1 đánh dấu bước tiến mới nhất trong sự kế thừa nhanh chóng những tiến bộ trong khám phá không gian của Trung Quốc. Nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử cho hạ cánh và vận hành một tàu thám hiểm ở phía khuất của Mặt trăng vào năm 2019. Bắc Kinh cũng đã hoàn thành một nhiệm vụ lấy mẫu vật Mặt trăng vào tháng 12 năm ngoái, với việc phóng một robot lên Mặt trăng và nhanh chóng đưa nó trở lại Trái đất mang theo mẫu đất đá.
Thiên Vấn 1 là sứ mệnh hạ cánh xuống sao Hoả đầu tiên của Trung Quốc, nhưng đây không phải là nỗ lực đầu tiên của nước này đưa tàu thăm dò tới sao Hoả. Chiếc đầu tiên là một tàu quỹ đạo có tiên gọi Huỳnh Hoả 1, được phóng vào năm 2011 cùng với sứ mệnh Phobos-Grunt của Nga. Con tàu này không vượt khỏi quỹ đạo Trái đất sau khi phóng, lao xuống Thái Bình Dương và bị phá huỷ.
Trước cú hạ cánh sao Hoả thành công của sứ mạng Thiên Vấn 1, Mỹ đã hạ cánh thành công 5 xe tự hành trên bề mặt hành tinh Đỏ. Gần đây nhất, ngày 20/2/2021, tàu thăm dò Perseverance của NASA đã vượt qua bầu khí quyển sao Hỏa và hạ cánh xuống hành tinh này, với nhiệm vụ lịch sử là mang về Trái đất những tảng đá nhằm giúp trả lời liệu sự sống có từng tồn tại trên sao Hỏa hay không.
Ngày 28/5/1971, Liên Xô cũng đã phóng tàu thăm dò sao Hoả Mars 3, chín ngày sau khi một tàu vũ trụ “song sinh” của nó là Mars 2 được phóng.
Khi đang thực hiện cú đáp xuống sao Hoả vào ngày 27/11/1971, tàu đổ bộ Mars 2 đã rơi xuống bề mặt sao Hoả và biến mất trong một cơn bão bụi. Sau đó, Mars 3 hạ cánh xuống khu vực hố Ptolemaus ở bán cầu nam của sao Hoả vào ngày 2/12 cùng năm. Ban đầu dường như cú đổ bộ của Mars 3 diễn ra hoàn hảo, nhưng chỉ 110 giây sau khi hạ cánh, thiết bị này đã biến mất trong im lặng. Từ đó đến nay, người Nga không nhận được bất kỳ tín hiệu nào từ tàu.