Nga-Trung bắt tay ‘phủ sóng’ vaccine COVID-19 đến các nước nghèo

Khi những lô vaccine Sputnik V của Nga được chuyển giao đến các quốc gia khắp thế giới, hàng trăm triệu liều trong số đó được dán nhãn “Made in China”.

Chú thích ảnh
Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn một loại vaccine phòng COVID-19 vào ngày 11/8/2020. Ảnh: AP

Trong tháng qua, các công ty Trung Quốc đã sản xuất trên 260 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, loại vaccine phòng COVID-19 được phê chuẩn sử dụng ở trên 60 nước, bao gồm một số lớn các quốc gia đang phát triển như Mexico, Ấn Độ, Argentina. 

Những thỏa thuận như vậy là biểu tượng cho cái bắt tay của "liên minh vaccine" Nga – Trung nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đang khan hiếm vaccine do bị các đối tác Phương Tây truyền thống “bỏ rơi”.

Nghiên cứu của Đại học Duke (Mỹ) cho thấy trong khi một số quốc gia như Canada, Anh, New Zealand đã tích trữ lượng vaccine đủ để tiêm cho gấp hơn 3 lần dân số nước mình, thì đại đa số các quốc gia khác hầu như không có liều vaccine nào cho một nửa dân số của họ, trong đó có cả những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Bobo Lo, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nga, cựu quan chức Đại sứ quán Australia ở Moskva, cho biết cả Moskva và Bắc Kinh đều nhìn thấy cơ hội cho những lợi ích địa chính trị trong đại dịch, với việc giành được sự ủng hộ và ảnh hưởng tại các nước và khu vực trên thế giới. “Sẽ hữu ích với họ khi chỉ ra rằng phương Tây đang ích kỷ trong việc hạn chế phân phối vaccine cho các nước đang phát triển. Đây là một câu chuyện thực sự có lợi cho cả Bắc Kinh và Moskva”, ông Lo nói.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Brasilia, Brazil ngày 14/11/2019. Ảnh:

Chuyên gia này cho rằng "Trung Quốc đang phát đi thông điệp rằng: 'Chúng tôi hiểu bạn, chúng tôi không phải là một cường quốc như các nước phương Tây… chúng tôi ở đây chỉ để giúp đỡ'”.

Đánh trúng nhu cầu

Nga là quốc gia đầu tiên công bố đã sản xuất vaccine phòng COVID-19 vào tháng 8/2020, được đặt tên là Sputnik V, theo tên vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Trái đất vào năm 1957.

Những nghi ngờ ban đầu về hiệu quả của vaccine này đã được dập tắt bởi một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet vào tháng 2/2021, với kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy vaccine đạt hiệu quả phòng bệnh 91,6%.

Hiện nay, hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, cùng với vaccine của Sinovac và Sinopharm/Trung Quốc đang trên đường “phủ sóng” khắp thế giới, mặc dù chỉ Sinopharm được chấp nhận tham gia sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cả Sputnik V và Sinovac đều không được WHO chấp thuận.

Tại Mỹ Latinh, khu vực chịu ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, các nước như Argentina và Chile đang mua vào số lượng lớn vaccine Nga và Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt.

Theo dữ liệu của Đại học Duke, Argentina đã đặt hàng 30 triệu liều vaccine Sputnik và 3 triệu liều của Sinopharm. Tới nay, Argentina vẫn không thể đạt được thỏa thuận mua vaccine Pfizer của Mỹ, dù đã đặt mua 23 triệu liều của AstraZeneca.

Là một đồng minh lâu năm của Mỹ ở Đông Nam Á nhưng Indonesia đã quay sang Trung Quốc để đặt thêm lô hàng vaccine Sinovac sau khi đơn hàng AstraZeneca của họ bị trì hoãn 1 năm do khủng hoảng nặng nề ở Ấn Độ. Cho đến nay, Indonesia đã mua nhiều vaccine Sinovac hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với ít nhất là 125 triệu liều.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac cho người dân Indonesia. Ảnh: Straits Times

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khách hàng lớn thứ hai của Sinovac là Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác quan trọng khác của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 100 triệu liều vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất và bắt đầu sử dụng từ tháng 1, trong khi phải mất thêm 4 tháng nữa thì các mũi vaccine Pfizer do Mỹ sản xuất mới có mặt trên thị trường. Ankara thậm chí còn gửi hàng trăm nghìn liều vaccine Sinovac dư thừa tới hỗ trợ Libya.

Khi Trung Quốc "rảnh tay" chống dịch

Hồi tháng 2, Quỹ RDIF của Nga cho biết nước này nhận được các đơn hàng số lượng lên tới trên 2,5 tỷ liều vaccine Sputnik V. Bên cạnh đó, Sinopharm/Trung Quốc thông báo nhận được các đơn hàng 500 triệu liều, theo tờ Global Times. Công ty Sinovac được yêu cầu cung cấp 450 triệu liều và đang lên kế hoạch chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho 10 quốc gia, nhằm hỗ trợ việc phân phối nhanh chóng hơn. 

Hầu hết số vaccine đã chuyển giao của Nga và Trung Quốc là được bán chứ không phải cứu trợ, tuy nhiên một phân tích từ tổ chức Think Global Health cho thấy 63/65 quốc gia mà Bắc Kinh đã tặng vaccine COVID cho đến nay đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trung Quốc không chỉ sản xuất vaccine nội địa mà còn giúp sản xuất vaccine COVID của Nga. Tới ngày 19/4, ba công ty tư nhân Trung Quốc đã ký những hợp đồng lớn với RDIF nhằm sản xuất 260 triệu liều vaccine Sputnik V.  Thỏa thuận này xuất phát từ việc Nga không đủ năng lực sản xuất so với nhu cầu. 

Khả năng sản xuất vaccine của Trung Quốc cho các quốc gia khác, bao gồm cả Nga, một phần là nhờ nước này hầu như đã kiểm soát được hoàn toàn lây nhiễm cộng đồng ở trong nước và nhanh chóng nâng cấp năng lực sản xuất vaccine. Hồi tháng 3, Sinopharm đã công bố kế hoạch sản xuất tới 3 tỷ liều vaccine COVID-19 mỗi năm, để trở thành nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn nhất trên thế giới. 

Trong khi đó, Nga buộc phải ký các thỏa thuận với các nhà cung cấp quốc tế để đáp ứng mục tiêu giao hàng vaccine Sputnik V. Tháng 4 vừa qua, Moskva thông báo 20 nhà sản xuất tại 10 quốc gia sẽ tham gia sản xuất loại vaccine này.

Chú thích ảnh
Đóng gói vaccine Sputnik V tại Nga. Ảnh: CNN

Đối tác "chung tay"

Trung Quốc và Nga đã có một mối quan hệ thăng trầm suốt một thế kỷ qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin, hai nước đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ dựa trên các lợi ích địa chính trị chung. Vào năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng, ông Tập đã mô tả Tổng thống Putin là "người bạn tốt nhất và thân thiết nhất", trong khi ông Putin nói rằng quan hệ hai nước đang ở "mức độ chưa từng có".

Đại dịch COVID-19 đã củng cố những mối quan hệ đó hơn nữa, khi Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov tuyên bố vào tháng 4/2020 rằng hai nước sẽ “chung tay” chống lại kẻ thù chung, 
"như chúng ta đã làm trong Thế chiến thứ hai”.

Trong một bài báo trên tờ China Daily ngày 7/4, Đại sứ Trung Quốc tại Moskva, Trương Hán Huy khẳng định: "Thế giới càng thay đổi, càng hỗn loạn, tình hữu nghị tuyệt vời giữa Trung Quốc và Nga càng có ý nghĩa".

Tuy nhiên, sự hợp tác này đã gây ra mối quan ngại gia tăng đối với một số nhà lãnh đạo phương Tây. Phát biểu ngày 25/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo Nga và Trung Quốc có thể sử dụng vaccine của họ để gây ảnh hưởng đối với thế giới đang phát triển, trong "một cuộc chiến tranh thế giới kiểu mới".

Trong khi đó, cả Trung Quốc và Nga đều bác bỏ họ đang tiến hành ngoại giao vaccine. Phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng hai nước đang tham gia “nỗ lực nhân đạo”.

“Không giống như một số nước lớn đang tích trữ vaccine vì lợi ích riêng, chúng tôi muốn nhìn thấy nhiều người dân được tiêm chủng hơn. Chúng tôi hy vọng thế giới sẽ đánh bại đại dịch càng sớm càng tốt”, ông Vương Nghị phát biểu và nói thêm rằng: “Với Trung Quốc và Nga, lựa chọn của chúng tôi không chỉ là làm lợi riêng bản thân mình, mà còn giúp đỡ cả thế giới”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (theo CNN)
Tổng thống Seychelles bác tin vaccine Trung Quốc đứng sau đợt bùng phát COVID-19
Tổng thống Seychelles bác tin vaccine Trung Quốc đứng sau đợt bùng phát COVID-19

Là quốc gia tiêm ngừa COVID-19 nhiều nhất thế giới, Seychelles mới đây lại chứng kiến sự bùng phát mạnh, song nhà lãnh đạo quốc đảo này không tin vaccine Sinopharm là nguyên nhân đằng sau. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN