San Marino là một trong những quốc gia nhỏ nhất châu Âu với dân số khoảng 34.000 người. Quốc gia này đang chiến thắng trong cuộc chiến với COVID-19 nhờ sử dụng nhiều vaccine Sputnik V của Nga.
San Marino ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm xuống gần bằng 0 cho dù hồi cuối tháng 3, trung bình nước này có 50 ca mắc mới. Từ khi nới lỏng biện pháp phòng dịch hồi giữa tháng 4, số ca mắc COVID-19 vẫn thấp, cho dù các nhà hàng, quán bar và bảo tàng mở cửa đón khách và không bị áp giờ giới nghiêm.
Bộ Y tế San Marino cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine, trong đó vaccine Sputnik V của Nga là chủ đạo, đã giúp họ chống dịch thành công.
70% dân số trưởng thành của San Marino giờ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, giúp nước này có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất châu Âu.
Viện An sinh Xã hội San Marino xác nhận 90% các mũi tiêm sử dụng vaccine Sputnik V. Sau một tháng khởi động chương trình tiêm chủng từ cuối tháng 2, cho dù khi đó có biến chủng Anh đang lây lan, nhưng Viện An sinh Xã hội tự hào cho biết số ca lây nhiễm đã đột ngột giảm. Số ca lây nhiễm tính theo đầu người ở San Marino thấp hơn trung bình châu Âu tới 44 lần.
Ngày 6/5, chương trình tiêm vaccine thành công đã giúp San Marino đóng cửa khoa chữa bệnh COVID-19 trong bệnh viện sau khi bệnh nhân cuối cùng có xét nghiệm âm tính và xuất viện.
Trong ngày 10/5, San Marino chỉ có 16 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch lên 5.083ca, trong đó 90 ca tử vong.
Vào ngày 19/2, San Marino trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V, sau Hungary và Montenegro. Giới chức Hungary là thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên ký hợp đồng mua 40.000 liều vaccine Sputnik V của Nga từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, San Marino mới là nước châu Âu đầu tiên gần như hoàn toàn dựa vào vaccine Nga trong tiêm chủng. Nước này chỉ dùng một tỷ lệ nhỏ vaccine của Pfizer.
Cuối tháng 2, San Marino nhận lô 7.500 liều Sputnik V đầu tiên để bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số ưu tiên.
Sputnik V có hiệu quả 91,6% trong ngăn ngừa triệu chứng COVID-19 nhưng vaccine này chưa được giới chức y tế châu Âu cho phép sử dụng trong khối.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu là láng giềng của San Marino đang gặp khó khăn với tiêm chủng.
Tại Italy, chỉ 27% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Nước này vẫn đang áp đặt giờ giới nghiêm ban đêm và đóng cửa phòng tập thể dục, nhà hàng.
Tại châu Liên minh châu Âu nói chung, khối này đã thất bại trong đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% người cao tuổi và nhân viên y tế vào cuối tháng 3. Trong khi đó, Pháp mới chỉ tiêm một liều vaccine cho 25% trong tổng số 68 triệu dân. Tại Đức, 32% dân số đã được tiêm một liều tính tới 7/5.
Malta và Hungary là hai quốc gia xếp đầu bảng danh sách các nước EU có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất.
Có 4 loại vaccine đã được phê chuẩn tại EU: Oxford/AstraZeneca, Johnson&Johnson, Moderna và Pfizer/BioNTech.