Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/10 phát biểu với truyền thông nhấn mạnh Nga ủng hộ tiến trình hòa giải chính trị tại Syria và kịch liệt phản đối những động thái gây ảnh hưởng tới tiến trình này.
“Không có thay đổi với cách tiếp cận của Nga đối với vấn đề này”, ông Peskov nêu rõ.
Ông Peskov nhận định rằng ngay từ đầu chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã nêu rõ “bất cứ động thái nào cản trở tiến trình hòa bình ổn chính trị tại Syria đều có thể gây leo thang căng thẳng”.
Người phát ngôn này nhấn mạnh Nga “không cân nhắc” về khả năng “động binh” với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Cũng theo ông Peskov, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có liên hệ chặt chẽ trong kênh ngoại giao và quân sự để tránh xảy ra xung đột giữa lực lượng hai bên.
Nhưng Nga cũng lên tiếng khẳng định không ủng hộ kế hoạch chiếm một số thị trấn Syria của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình".
Kênh RT (Nga) cho biết người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra phát biểu trên ở thời điểm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch chống lại lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria. Mỹ coi người Kurd là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cho rằng các lực lượng được Mỹ ủng hộ tại Syria như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là khủng bố.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và một số tờ báo phương Tây như New York Times đã đưa thông tin Nga không phản đối Ankara tấn công thành phố Kobani do người Kurd kiểm soát ở Syria. Ngày 14/10, Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho biết vấn đề Kobani chưa được thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng người Kurd tại phía Bắc Syria cũng đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria cử quân đội dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Syria đã được điều động đến khu vực biên giới, tiến vào thành phố Manbij ở phía Bắc tỉnh Aleppo vào ngày 13/10 (video dưới, nguồn: RT).
Ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đưa quân vào sâu 30-35km trong lãnh thổ do người Kurd kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng người Kurd cho biết đã rời bỏ những địa điểm từng là căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Diễn biến này khiến Nga lo lại và Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến IS hồi sinh.