Hôm 15/3, phi đội máy bay ném bom, máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga đã rời Syria và trở về Nga, cùng với đó là các chuyên gia, thợ kĩ thuật và khí tài kĩ thuật. Hoạt động này được tiến hành ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra quyết định rút lực lượng quân sự chủ chốt khỏi Syria, coi đây là bước tạo đà thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình tại Geneva. Rút những lực lượng nào, tiến độ và lộ trình ra sao là điều mà ông Putin không đề cập chi tiết. Giới phân tích Nga nhận định, kế hoạch này chủ yếu liên quan đến không quân, còn các tàu chiến, hệ thống tên lửa phòng không cùng các tổ hợp do thám, chặn thu tình báo sẽ vẫn yên vị tại Syria.
Phi công Nga được chào đón như người hùng khi từ Syria về nước. Ảnh: Sputnik |
“Nga sẽ rút khoảng 1/2 thậm chí là 2/3 trong tổng số khoảng 60 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom thực hiện nhiệm vụ tại Syria. Số binh sĩ, nhân viên kĩ thuật sẽ chỉ giảm nhẹ, vì còn phải đảm bảo an toàn cho lực lượng đóng tại căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus”, Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí quân sự Arsenal Otechestva (Nga), thành viên thuộc Hội đồng chuyên gia Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Liên bang Nga nhận định. Theo chuyên gia này, Nga vẫn sẽ giữ nguyên toàn bộ số trực thăng vũ trang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, vận tải chiến thuật cùng đội ngũ cố vấn ở lại Syria để trợ giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Đại tá Viktor Litovkin, chuyên gia quân sự tại hãng tin TASS cũng chia sẻ đánh giá này, cho rằng “Nga sẽ để lại các hệ thống phòng không ở Syria như tổ hợp tên lửa phòng không S-400, Buk-M3, Tor-M2 và Pantsyr S-1. Cùng lúc tàu chiến của Nga vẫn sẽ hoạt động, đồn trú tại đông Địa Trung Hải”.
Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập Tạp chí Các vấn đề Toàn cầu (Nga) nhìn nhận, Moska đã hoàn thành nhiệm vụ then chốt khi không cho phép các đối thủ tái lập “kịch bản Lybia” tại Syria. Ông nhìn nhận, Nga đang đi theo con đường mà Mỹ từng thực hiện trong cuộc xung đột ở Afghanistan trước kia: Rút cơ bản lực lượng tham chiến, nhưng vẫn giữ lại các nhóm hành động hiệu quả cùng lực lượng chính trị liên quan. Lực lượng vũ trang Nga vẫn sẽ đóng trên đất Syria, tại Tartus và Hmeymim.
Giới bình luận Nga nhìn nhận, với binh sĩ và khí tài, cơ sở vật chất còn ở Syria, Moskva vẫn sẽ dễ dàng điều máy bay chiến đấu, tái lập sức mạnh không quân một khi xuất hiện tình huống “bất trắc” trên thực địa, hoặc là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có ý tăng cường can dự vào Syria. Cùng lúc, việc thoái lui từng bước cho thấy Nga luôn nhất quán trong mục tiêu, quan điểm giải quyết khủng hoảng bằng giải pháp chính trị.
Tại sao Nga lại bẻ lái đột ngột tại Syria? Điện Kremlin và Nhà Trắng đều nói rằng quyết định của Nga là đơn phương, khiến Mỹ và các đối tác bất ngờ, y như cách mà ông Putin thông báo quyết định mở chiến dịch quân sự ở Syria (9/2015). Thực tế chưa hẳn là vậy. Vladimir Yevseyev thuộc Viện Cộng đồng các quốc gia độc lập cho rằng nhiều khả năng Nga đã có các cuộc tham vấn trước đó với phía Mỹ và việc rút lực lượng tức thời được thực hiện do Moskva đã nhận được lời bảo đảm từ Washington rằng can dự của Ankara ở Syria sẽ bị tiết giảm; và một rào cản tương tự cũng được dựng lên nhằm vào Saudi Arabia.