Nga rút quân vì bất hòa với Iran và Syria?

Rạn nứt sâu sắc của Moskva với Tehran về việc tiếp tục cuộc chiến Syria và tương lai của nhà lãnh đạo Bashar al-Assad đã dẫn đến quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin ngày 14/3.

Các nguồn tin quân sự và tình báo của mạng "Debka" cho rằng rạn nứt sâu sắc của Moskva với Tehran về việc tiếp tục cuộc chiến Syria và bất đồng khó hòa giải với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad về tương lai của ông này đã dẫn đến quyết định bất ngờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/3: rút quân khỏi Syria.

Tuy nhiên, ông Putin không đặt ra những giới hạn cuối cùng của việc rút quân. Điện Kremlin cho biết Moskva sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại cảng biển Tartus và căn cứ không quân Hmeymim bên ngoài thành phố Latakia. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng chính của không quân và hải quân Nga vẫn duy trì sự hiện diện tại chỗ. Ông Putin khó có thể từ bỏ chỗ đứng vững chắc này tại Đông Địa Trung Hải.

Hệ thống chống máy bay Pantsir-S1 của Nga tại căn cứ Hmeymim, tỉnh Latakia, tây bắc Syria, ngày 16/12/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga không ấn định thời gian biểu cho việc rút quân mà chỉ thông báo thời gian bắt đầu tiến trình này. Ông cũng không hứa hẹn ngừng triển khai toàn bộ chiến dịch quân sự tại Syria. Nhà lãnh đạo Nga chỉ tuyên bố rằng "nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Nga đã được hoàn tất", đồng thời đề cập tới "bước ngoặt cơ bản trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế".

Một dấu hiệu về hướng đi của Moskva được tiết lộ qua chỉ thị của ông Putin với ngoại trưởng Nga về việc "tăng cường tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Syria". Chỉ thị này liên quan tới các cuộc đàm phán được Liên hợp quốc môi giới và đã được nối lại tại Geneva ngày 15/3 giữa các bên tham chiến trong cuộc xung đột Syria.

Giới tình báo nhấn mạnh rằng sau quyết định bất ngờ của ông Putin, các tàu chiến của Nga ở biển Caspi và Địa Trung Hải vẫn sẵn sàng can thiệp từ xa vào cuộc chiến, nếu tình hình của chính quyền Assad xấu đi. Tháng trước, họ cũng nhận thấy dấu hiệu cho thấy Moskva sẽ rút quân khỏi Syria khi Nga bàn giao ồ ạt cho quân đội Syria các xe tăng hiện đại T-90 và pháo tự hành hạng nặng. Các nguồn tin phương Tây coi những chuyến hàng vũ khí này như việc Nga đầu tư thêm vào những thắng lợi quân sự nhiều rủi ro của Syria trong các trận chiến giành giật thành phố Aleppo ở miền Bắc và Deraa ở miền Nam. Tuy nhiên, giả thiết này đã bị thông báo của Kremlin báo phủ nhận ngày 14/3. Thực tế, số xe tăng và pháo này được cung cấp để giúp Syria và đồng minh Iran tiếp tục chiến đấu mà không có sự hỗ trợ của Nga.

Người dân Syria giơ cao ảnh của Tổng thống Assad và người đồng cấp Putin trong một cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ tại Damascus ngày 4/3. Ảnh: AP

Rạn nứt giữa Moskva và Tehran về cuộc chiến Syria đã trở nên căng thẳng hôm 19/2, khi Bộ trưởng Quốc phòng Iran - Tướng Hossein Dehghan - tới Moskva. Bộ trưởng Dehghan đã trình bày yêu cầu của chính phủ Iran về việc Nga rút lại thỏa thuận với Mỹ về một lệnh ngừng bắn ở Syria. Tehran không muốn tạm ngừng mà tiếp tục cuộc chiến. Sau khi sát cánh với Moskva tại Syria một thời gian, người Iran ngỡ ngàng phát hiện ra rằng ông Putin đang đổi phe và tiến tới phối hợp với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm chấm dứt sự thù địch và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Về phần mình, ông Assad không có ý định giả vờ chấp thuận các kế hoạch của ông Putin về việc ông sẽ từ chức và bàn giao quyền lãnh đạo tại Damascus theo từng giai đoạn. Ông Assad không muốn từ bỏ quyền lực vào bất kỳ thời điểm nào.

Có lẽ, hành động của Tổng thống Nga Putin chỉ đơn giản là ông đã chán ngán những bất đồng lặt vặt không dứt và không đi đến đâu với hai đồng minh của Nga, ngoại trừ việc tiếp tục kéo dài cuộc chiến tại Syria. Do đó, ông Putin đã đưa Iran và Syria vào thế đã rồi đầy khó khăn. Quan điểm của ông Putin là nếu muốn, Iran và Syria có thể tiếp tục chiến đấu, nhưng không có sự tham gia của Nga.

Báo "Jpost" ngày 15/3 cũng cho rằng sự can thiệp của Nga vào Syria đã dẫn tới những rạn nứt nhất định với Iran, hay ít nhất cũng khiến cho người Iran lo lắng. Tehran bất ngờ nhận thấy họ ở vị trí phụ thuộc vào ông Putin. Giờ đây, với sự rút quân của Nga, Iran sẽ quay trở lại vị trí quen thuộc của mình là làm chỗ dựa cho ông Assad.

TTK (Theo Debka)
Những chiếc Su-34 đầu tiên từ Syria về tới Nga
Những chiếc Su-34 đầu tiên từ Syria về tới Nga

Nhóm đầu tiên các cường kích Su-34 và 1 chiếc Tu-154 "chỉ đạo" từ Syria đã hạ cánh xuống căn cứ không quân gần Voronezh, Nga. Trước khi hạ cánh, nhóm máy bay đã lượn một vòng ở độ cao thấp chào đón phi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN