Năng lực 'đáng gờm' của hệ thống tên lửa Iskander và S-400 đang trực chiến ở Belarus

Trong khi nước phương Tây cho rằng Moskva đang gây áp lực đòi Minsk hỗ trợ tích cực hơn cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, quan chức quốc phòng Belarus cho hay các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander và hệ thống phòng không S-400 mà Nga triển khai tới nước này đã bước vào trực chiến, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga lắp đặt hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander tại triển lãm Army-2015 ở Kubinka, Nga, ngày 17/6/2015. Ảnh: Reuters 

Theo trang Al Jazeera ngày 26/12, ông Leonid Kasinsky, người đứng đầu Tổng cục Tư tưởng tại Bộ Quốc phòng Belarus, cho biết trong một video đăng trực tuyến: “Các quân nhân, kíp chiến đấu của chúng tôi đã hoàn thành đầy đủ khóa huấn luyện tại các trung tâm huấn luyện chiến đấu liên hợp của lực lượng vũ trang Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus”. 

“Những loại vũ khí này [hệ thống Iskander và S-400] hiện đang trực chiến và chúng được chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các nhiệm vụ theo mục đích đã định”, ông Kasinsky khẳng định. 

Quan chức này cũng cho biết máy bay quân sự của nước này đã được chuyển đổi để chở được các loại “đạn dược đường không đặc biệt".

Không rõ có bao nhiêu hệ thống Iskander - loại tên lửa chiến thuật có khả năng mang vũ khí hạt nhân - đã được triển khai tới Belarus sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 cho biết Moskva sẽ cung cấp Iskander cho Minsk và các hệ thống phòng không.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây cho rằng Moskva đang gây áp lực đòi Minsk hỗ trợ tích cực hơn cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 11.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ điều này, khẳng định Nga "không quan tâm đến việc mua chuộc bất kỳ ai" và những tin đồn như vậy là vô căn cứ và "ngớ ngẩn".

Iskander-M, một hệ thống tên lửa dẫn đường di động được NATO định danh là “SS-26 Stone”, đã thay thế cho tên lửa Scud thời Liên Xô cũ. Đây được coi là một trong những vũ khí phi hạt nhân đáng gờm nhất của Nga.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nga đã trang bị Iskander trong quân đội từ năm 2006. Là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, và được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, Iskander có chiều dài 7,2m, đường kính 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn; đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km. Hệ thống này được thiết kế để tấn công các mục tiêu có kích thước nhỏ và địa điểm của đối phương trong phạm vi lên đến 500 km.

Phạm vi đó có thể vươn sâu vào lãnh thổ các nước láng giềng của Belarus là Ukraine và Ba Lan, một thành viên NATO, gây ra căng thẳng trong quan hệ với Minsk.

Ngoài ra, Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, đủ sức phá hủy cả tòa nhà hay tàu chiến.

Tên lửa có thể được phóng trong vòng ít nhất 4 phút từ một phương tiện ở trạng thái sẵn sàng cao nhất. Ngoài ra, quả tên lửa thứ hai có thể được phóng trong vòng chưa đầy 1 phút sau khi tên lửa đầu tiên đã rời đi.

Xem quân đội Nga vận hành hệ thống Iskander-M và nã hỏa lực về vị trí của Ukraine vào tháng 10/2022 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga/The Sun)

Iskander-M mang theo một tổ hợp các thiết bị gây nhiễu điện tử, cả thụ động và chủ động để chế áp radar của đối phương. Không chỉ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đoán trước được đường bay, tên lửa Iskander còn được áp dụng công nghệ tàng hình plasma cho phép nó xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại.

Trong khi đó, S-400 là hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối không (SAM) cơ động của Nga, đang được coi là hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới. Tổ hợp tên lửa này được cho là có thể bắn hạ mọi đối thủ, từ tiêm kích, máy bay không người lái, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.

Tổ hợp tên lửa của Nga có tầm bắn tối đa lên tới 400km, độ cao tối đa có thể vươn tới là 50km, đi kèm với hệ thống radar được cho là có khả năng phát hiện các tiêm kích tàng hình tốt nhất thế giới của Mỹ. 

Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế gồm: xe radar trinh sát, xe điều khiển hỏa lực và 8 - 12 xe mang bệ phóng tên lửa. Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau.

Chú thích ảnh
Tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Sức mạnh thực sự của S-400 tới từ khả năng khóa 300 mục tiêu cùng lúc và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ trong một lần phóng. Ngoài ra, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500km, gấp gần 4 lần năng lực của hệ thống Patriot do Mỹ chế tạo.

Một đặc điểm nổi bật khác của tổ hợp S-400 là khả năng chống lại các cuộc tấn công công nghệ cao. Các biện pháp chống tác chiến điện tử cho phép radar Nebo-M của S-400 thay đổi tần số nhanh để tránh việc bị làm nhiễu và cải thiện khả năng theo dõi mục tiêu di chuyển với tốc độ cao.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera, Missilethreat)
Tổng thống Nga tuyên bố: '100%, sẽ tiêu diệt' hệ thống Patriot Mỹ cung cấp cho Ukraine
Tổng thống Nga tuyên bố: '100%, sẽ tiêu diệt' hệ thống Patriot Mỹ cung cấp cho Ukraine

Mỹ sẽ cung cấp Patriot cho Ukraine, tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin một lần nữa “dội gáo nước lạnh” hệ thống tên lửa đất đối không được coi là tiên tiến nhất và sẽ xoay chuyển cục diện tại chiến trường Ukraine này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN