Tên lửa Patriot mà Ba Lan đặt sát biên giới Ukraine, Belarus 'phủ sóng' tới đâu

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak tuyên bố triển khai các hệ thống đất đối không Patriot tới tỉnh Lublin, giáp cả Ukraine và Belarus.

Chú thích ảnh
Quân đội Mỹ phóng thử tên lửa Patriot vào năm 2019. Ảnh: CNN 

Theo tờ Gazeta Prawna (Ba Lan), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak đã thông báo triển khai các hệ thống đất đối không Patriot tới tỉnh Lublin, giáp biên giới với cả Ukraine và Belarus.

Lý do Warsaw đặt các hệ thống phòng không Patriot ở đó khá dễ hiểu: sự cố tên lửa gây chết người ở làng Przewodów gần biên giới với Ukraine đã dẫn đến việc Đức đề nghị đưa các hệ thống Patriot trở lại Ba Lan (các hệ thống này vốn đã được triển khai tại đây từ tháng 2 đến tháng 7). Ngoài ra, Warsaw đã chi 4,75 tỷ USD để mua bốn khẩu đội Patriot, hệ thống mà họ đã mong chờ từ năm 2018.

Ba Lan là nước có tiếng nói mạnh mẽ đề nghị cấp tên lửa Patriot cho Ukraine. Nhưng việc chính Warsaw phải đối mặt với nguy cơ tên lửa từ cuộc xung đột ở nước láng giềng đã khiến họ cảm thấy rõ hơn động lực phải trang bị hệ thống phòng không này ngay trên lãnh thổ mình.

Vào đầu tháng 11, một quả tên lửa đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, gần biên giới với Ukraine, làm hai người thiệt mạng. Các quan chức Ba Lan và NATO cho biết, có khả năng đó là một quả tên lửa của Ukraine đi lạc, không phải tên lửa do Nga phóng. Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên vũ khí được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine tấn công một nước thứ ba.

Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu khẩu đội SAM Patriot của Đức hay khẩu đội Patriot của Ba Lan vốn đang trong quá trình tích hợp vào hệ thống phòng không nước này kể từ ngày 6/12 sẽ được đặt tại tỉnh Lublin.

Câu hỏi chính là, những hệ thống Patriot này sẽ có thể bảo vệ khu vực không phận nào. Theo tờ Defense Express, sẽ cần ba khẩu đội để bảo vệ một tỉnh, vì tầm bắn của hệ thống lên tới 60 km khi được trang bị tên lửa đánh chặn MSE.

Tuy nhiên, Ba Lan có thể sử dụng tên lửa PAC-2 cho các mục tiêu khí động bay ở độ cao lớn; những tên lửa đánh chặn này có tầm bắn 160 km. Nhưng đối với các tên lửa hành trình bay thấp, đường chân trời vô tuyến là tối quan trọng, do đó, phạm vi đánh chặn các mục tiêu như vậy tối đa giảm xuống còn 47 km.

Một chi tiết quan trọng cần tính đến là radar AN/MPQ-53 của Patriot có góc quan sát 120°. Nó khiến việc tiêu diệt mục tiêu trở nên đặc biệt khó khăn nếu không bao phủ không phận Ukraine.

Chú thích ảnh
Phạm vi tiêu diệt mục tiêu 160 km hoặc 60 km còn dựa trên các địa điểm có thể triển khai Patriot. Ảnh: DW

Tờ Gazeta Prawna cho biết trong sự cố tên lửa S-300 rơi ở Ba Lan, tên lửa đã đi vào không phận nước này "chỉ trong vài giây", và đó là lý do tại sao sẽ là một thách thức ngay cả đối với Patriot để phản ứng và vô hiệu hóa mối đe dọa.

Với thực tế đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Błaszczak vẫn cho rằng sẽ tốt hơn nếu hệ thống Patriot được triển khai đến miền Tây Ukraine.

Nhưng hiện tại, theo Defense Express, khó có khả năng Ba Lan, thành viên NATO, sẽ bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine, mặc dù không thể loại trừ khả năng này. Tùy thuộc vào loại và quỹ đạo của tên lửa bay đến, hệ thống phòng không Patriot có thể có cơ hội đánh chặn nó.

Hệ thống phòng không Patriot đã có một lịch sử lâu dài. Nó được hình thành vào đầu những năm 1960, nhưng một thập kỷ sau mới được định hình và lấy tên hiện tại. Quân đội Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống này vào những năm 1980. Một tổ hợp Patriot bao gồm một tập hợp các radar, các đơn vị chỉ huy và kiểm soát, và các thiết bị đánh chặn tên lửa khác nhau.

Người khổng lồ vũ khí của Mỹ, Raytheon, là nhà sản xuất Patriot và đã nâng cấp khả năng của hệ thống này nhiều lần kể từ đó. Công ty cho biết họ có kế hoạch tiến hành các phát triển kỹ thuật cho đến ít nhất là năm 2048. Trong phiên bản hiện tại, Patriot có thể chống lại tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay và "các mối đe dọa khác" mà Raytheon không nêu rõ.

Như vậy trong số những vật thể mà Patriot có thể đối phó có một số vũ khí từ trên không mà Nga dùng để tấn công Ukraine, cũng là những thứ mà NATO lo ngại gây đe dọa với lãnh thổ của các thành viên. Tuy nhiên, các lực lượng Nga cũng sử dụng các thiết bị nhỏ hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái mini hoạt động gần mặt đất hơn, khiến hệ thống Patriot khó theo dõi và đánh chặn.

Theo quân đội Đức, mỗi tổ hợp Patriot của họ có khả năng bảo vệ trong bán kính khoảng 68 km. Radar của nó có thể theo dõi tới 50 mục tiêu và tấn công 5 mục tiêu cùng lúc. Tùy thuộc vào phiên bản được sử dụng, tên lửa đánh chặn có thể đạt độ cao hơn 2 km và tấn công mục tiêu cách xa 160 km.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, mỗi tổ hợp Patriot cần khoảng 90 binh sĩ vận hành.

Ba Lan không xa lạ gì với Patriot. Họ là một trong 18 quốc gia đang sử dụng hoặc đang tìm cách mua hệ thống phòng không này. Mỹ đã giao các đơn vị Patriot cho Ba Lan ngay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine và Warsaw đã yêu cầu mua thêm.

Trong khi đó, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Đức có 12 tổ hợp Patriot và đã đặt hai trong số đó ở Slovakia. 

Hệ thống Patriot đã trải qua ​​​​chiến đấu. Nó được sử dụng thực tế lần đầu tiên vào năm 1991 khi bảo vệ quân đội Mỹ và đồng minh, cũng như các khu vực đông dân cư ở Israel, trước tên lửa Scud của Iraq, trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Vào thời điểm đó, các quan chức của Mỹ và Raytheon đã ca ngợi tính hiệu quả của Patriot.

Nhưng các nghiên cứu khác sau đó đã đặt câu hỏi về những tuyên bố này. Trong một sự cố nguy hiểm nhất, một cuộc tấn công bằng tên lửa Scud đã giết chết 28 lính Mỹ trong doanh trại của họ ở Saudi Arabia khi hệ thống Patriot bảo vệ họ không đánh chặn được tên lửa đang bay tới.

Các nâng cấp tiếp theo của nhà sản xuất Raython đã cải thiện tính hữu dụng của hệ thống. Một lần nữa, Patriot được triển khai, với hiệu quả lớn hơn, tới Iraq vào năm 2003 trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần hai. Kể từ đó, một số lần phóng thử nghiệm đã cho kết quả đánh chặn thành công, mặc dù thường cần nhiều tên lửa đánh chặn Patriot để ngăn chặn một mối đe dọa sắp tới.

Thách thức lớn nhất đối với Patriot có thể không phải là theo kịp công nghệ của đối phương, mà là chi phí để làm như vậy. Hợp đồng mua sắm Patriot đầu tiên của Ba Lan được đưa tin là có giá 4,75 tỷ USD - tương đương hơn 1/4 ngân sách quốc phòng đề xuất năm 2023 của đất nước. Theo RAND, một tổ chức nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại Mỹ, một cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn Patriot có thể tiêu tốn tới 100 triệu USD.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo DW, Defense Express)
Hình ảnh Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine động viên tinh thần binh sĩ sau 10 tháng xung đột
Hình ảnh Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine động viên tinh thần binh sĩ sau 10 tháng xung đột

Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều tìm cách động viên tinh thần cho binh sĩ khi cuộc xung đột kéo dài sang tháng thứ 10 và mùa đông bắt đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN