Mỹ lên tiếng cáo buộc sau khi Belarus triển khai các khẩu đội tên lửa S-400 do Nga cung cấp

Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết Nga đã giữ lời hứa cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến cho Belarus. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích.

Chú thích ảnh
Các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo Iskander và phương tiện hỗ trợ. Ảnh: AP

Ngày 19/12, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cho biết quốc gia này đã được trang bị tên lửa đạn đạo Iskander và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không S-400 do Nga cung cấp. Ông Lukashenko cũng đã gửi lời cảm ơn đến người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

“Hôm nay, chúng tôi đã triển khai các hệ thống S-400, quan trọng nhất là hệ thống Iskander mà ông đã bàn giao cho chúng tôi như đã hứa sáu tháng trước” ông Lukashenko nói với ông Putin tại một cuộc họp báo chung ở thủ đô Minsk.

Tổng thống Vladimir Putin cùng với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, đã đến Belarus hôm 19/12 để tham gia các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế, quân sự và năng lượng giữa hai quốc gia.

Xuất hiện trước báo giới, Tổng thống Nga tiết lộ rằng hai nước đã thiết lập một hệ thống cảnh báo và phòng không tích hợp, trong đó các khẩu đội S-400 đóng vai trò quan trọng. 

Phía Nga cũng sẽ sớm triển khai huấn luyện các phi công Belarus để sử dụng các vũ khí và đạn dược đặc biệt.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức đã lên án chuyến công du Belarus của Tổng thống Putin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cáo buộc Belarus đang tiếp tay cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Washington và các đồng minh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Belarus liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Khi được hỏi liệu có bất kỳ “lằn ranh đỏ” cụ thể nào khiến Mỹ coi Belarus là một bên trong cuộc xung đột hay không, người phát ngôn Ned Price cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao động thái của Minsk, cũng như tìm kiếm các biện pháp bổ sung để ngăn chặn. 

Trước đó, ông Ned Price cho biết Mỹ đã chi hơn 20 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 và sẽ tiếp tục chuyển tiền, vũ khí và đạn dược cho Kiev.

Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột. Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng phương Tây trên thực tế đã biến Ukraine thành “thuộc địa” và đang sử dụng người Ukraine “làm bia đỡ đạn” và công kích chống lại Nga.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo RT)
Nga huấn luyện phi công Belarus lái chiến đấu cơ có thể mang vũ khí lắp 'đầu đạn đặc biệt'
Nga huấn luyện phi công Belarus lái chiến đấu cơ có thể mang vũ khí lắp 'đầu đạn đặc biệt'

Nga sẽ huấn luyện các phi công Belarus vận hành những máy bay chiến đấu “đã được tái trang bị để có thể mang theo vũ khí phóng từ trên không lắp đầu đạn đặc biệt".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN