Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ mặc dù cạnh tranh công bằng từ nước ngoài được khích lệ, song các khoản trợ cấp không công bằng và các hoạt động thương mại khác đã tác động tiêu cực tới sản xuất của Mỹ và rộng hơn là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ. Chính vì vậy, tuyên bố nhấn mạnh Chính phủ Mỹ phải thực hiện một chiến lược toàn diện để đẩy lùi cạnh tranh nước ngoài không công bằng làm xói mòn khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ.
Mặc dù không trực tiếp cáo buộc Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng, nhưng tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ "khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cần được đưa vào cách tiếp cận chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên tục xem xét lại chính sách thương mại Mỹ-Trung".
Nhà Trắng nêu rõ ở quy mô rộng hơn, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần phát triển một chiến lược toàn diện để hỗ trợ khả năng cạnh tranh của Mỹ và sẽ xem xét các hiệp định thương mại hiện có của nước này này nhằm xác định các cách tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chung. Những nỗ lực này rất quan trọng do đại dịch COVID-19 với hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế đã cho thấy những điểm yếu về cấu trúc trong cả chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, đe dọa nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Cùng ngày, với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nước này với công nghệ Trung Quốc. Dự luật được lưỡng đảng ủng hộ này cho phép cấp ngân sách khoảng 190 tỷ USD để tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Mỹ, cùng khoản chi riêng 54 tỷ USD để các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn và thiết bị viễn thông. Trong khoản chi riêng này, Chính phủ Mỹ dành riêng 2 tỷ USD cho sản xuất chip bán dẫn phục vụ cho ngành chế tạo và lắp ráp ô tô.
Theo lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, dự luật này là khoản đầu tư lớn nhất của chính phủ dành cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ cho các thế hệ tới. Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành thảo luận và ghép dự luật trên với một dự luật khác mà cơ quan lập pháp này đã thông qua trước đó thành một dự luật duy nhất để trình lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng sự tập trung vào chuỗi cung ứng toàn cầu các nguyên liệu quan trọng và chiến lược ở Trung Quốc có nguy cơ làm gián đoạn sự lưu thông hàng hóa tới Mỹ.
Trong một báo cáo công bố ngày 8/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay: “Sự tập trung của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các nguyên liệu chiến lược và quan trọng ở Trung Quốc tạo ra nguy cơ gây gián đoạn và các hoạt động thương mại bị chính trị hóa, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức.”
Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng nhiều khâu trong lĩnh vực nguyên liệu quan trọng và chiến lược của Mỹ đã chuyển ra nước ngoài. Báo cáo cho rằng các quốc gia khác đã cố tình can thiệp để chiếm thị phần và ngành công nghiệp của Mỹ đã bị bỏ lại phía sau trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu.