Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 1/5, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 93.000 so với tuần trước xuống còn 498.000 đơn, thấp hơn nhiều so với dự báo. Đây cũng là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái và là một dấu hiệu tích cực nữa cho thấy việc sa thải đang chậm lại do thị trường việc làm được cải thiện. Số đơn xin trợ cấp theo chương trình đặc biệt hỗ trợ lao động tự do trong tuần trước nếu chưa điều chỉnh là 101.214 đơn.
Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã giảm mạnh so với mức đỉnh 900.000 đơn vào đầu tháng 1, song con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức 250.000 đơn thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 ập đến. Tính đến tuần kết thúc ngày 17/4, có gần 16,2 triệu lao động đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo tất cả các chương trình của chính phủ, có nghĩa vẫn cần những nỗ lực lớn nhằm đưa tỷ lệ thất nghiệp về mức thấp kỷ lục trước đại dịch.
Tuy nhiên, báo cáo trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ, nhờ chương trình tiêm chủng cho phép các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại cũng như các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Nhà phân tích Rubeela Farooqi tại tổ chức High Frequency Economics nhận định số đơn vẫn cao nhưng đang trên đà giảm, với sự cải thiện của thị trường lao động.
Mùa Xuân năm ngoái, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế Mỹ đình trệ, ảnh hưởng mạnh tới lực lượng lao động. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này đã tăng 3 triệu người, lên mức kỷ lục 3,3 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 21/3/2020 và sau đó tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 6,87 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 28/3/2020.
Ông John Williams, người đứng đầu chi nhánh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York mới đây dự báo nền kinh tế Mỹ có thể phục hồi tăng trưởng vào khoảng 7% trong năm nay sau giai đoạn khó khăn nhất do cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 gây ra. Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, đây được xem là mức tăng trưởng nhanh nhất trong gần 4 thập niên qua của nền kinh tế đầu tàu thế giới.