Bị bắt từ Mozambique vào năm 1973, con voi cái Tyke được huấn luyện làm xiếc thú ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi được chuyển đến Mỹ, Tyke nhanh chóng bị bán cho Hawthorn Corporation - công ty chuyên cung cấp động vật cho các rạp xiếc. Nhưng không may, con vật đã phải chịu đựng nhiều năm bị những người trông coi lạm dụng. Việc nó chống trả và tự giải thoát chỉ còn là vấn đề thời gian. Vào ngày định mệnh đó của năm 1994, người dân Hawaii đã chứng kiến đường phố nơi họ sống đỏ rực máu voi.
Sau một số buổi biểu diễn ở đại lục Mỹ, Tyke được chuyển đến thủ phủ Honolulu của Hawaii. Con vật 21 năm tuổi bị đưa vào Trung tâm Neal S. Blaisdell để phục vụ những show diễn khác. Nhưng Tyke đã có những kế hoạch cho riêng mình. Nó không chỉ giết chết người huấn luyện, mà còn khiến người chăm sóc bị thương nặng, tất cả diễn ra trước sự kinh hoàng của khám giả.
Tuyệt vọng chạy trốn, Tyke sau đó điên cuồng thoát khỏi rạp xiếc, lồng ra phố. Chạy qua những con phố bên ngoài, Tyke tận hưởng tự do hơn bất cứ thứ gì nó từng thấy trong suốt hai thập kỷ. Nhưng buồn thay, niềm hạnh phúc tự do không kéo dài khi Tyke bị cảnh sát bao vây và bắn hạ bằng 87 phát đạn.
Cuộc đời tù túng
Tyke không được sống một cuộc đời dễ dàng. Điều đáng buồn là những trải nghiệm của nó lại không có gì bất thường. Giống như nhiều con voi bị bắt trong tự nhiên hoang dã và bán cho Hawthorn Corporation, Tyke buộc phải làm nô lệ, trong vai một nghệ sĩ biểu diễn xiếc từ rất sớm.
Sinh ra vào đầu những năm 1970 tại Mozambique, Tyke bị bắt từ khi còn nhỏ và chịu áp lực huấn luyện nghiêm ngặt. Một số huấn luyện viên cũ của nó- như Tyrone Taylor – cho biết họ có tình cảm sâu sắc với Tyke. Nhưng điều không có gì nghi ngờ là điều kiện sống của con voi cái châu Phi này là vô nhân đạo.
Bị xích 22 giờ mỗi ngày, suốt thời gian còn lại Tyke phải tham gia các buổi huấn luyện, đầy tiếng la hét, mắng mỏ và lạm dụng. Người quản tượng cũ, Sally Joseph thừa nhận rằng Tyke là một diễn viên không hạnh phúc. Nhưng thay vì lùi bước, con voi Phi châu bắt đầu nổi loạn.
Từ tấn công các huấn luyện viên đến chạy loạn trong bãi diễn, rõ ràng Tyke chỉ muốn thoát khỏi rạp xiếc. Vào tháng 4/1993, Tyke trở nên cực kỳ tức giận trong một buổi biểu diễn ở Altoona, bang Pennsylvania (Mỹ). Trong chương trình đó, con vật đã giật được chân khỏi xích và tìm cách trốn chạy.
“Khi đó, tôi mới biết nó là một kẻ muốn chạy trốn”, huấn luyện viên Taylor nói, lo sợ rằng một cuộc bùng nổ tiếp theo sẽ tồi tệ hơn. Nhưng không ai để ý đến những dấu hiệu cảnh báo đó.
Cái chết đau lòng của voi Tyke
Đó là vào ngày 20/8/1994, voi Tyke khi đó mới đến Hawaii. Nó được đưa tới thủ phủ Honolulu để biểu diễn tại Trung tâm Neal S. Blaisdell, nơi những đám đông đang nóng lòng chờ đợi một show xiếc thú mãn nhãn.
Vào thời điểm Tyke được dẫn vào sân diễn đông chặt khán giả, nó đã sống trong cảnh giam cầm gần như cả cuộc đời. Ngậm nỗi căm hờn, Tyke đã bất chấp nhiều năm được đào tạo, mở màn bằng cú đá lăn người chăm sóc William Beckworth.
Nhưng ban đầu, khán giả không quá lo lắng. “Chúng tôi nghĩ đó là một phần của màn biểu diễn”, một nhân chứng giải thích.
Nhưng đám đông sớm nhận ra có gì đó không ổn khi người huấn luyện Allen Campbell bước vào.
Campbell cố gắng thuyết phục Tyke phục tùng, nhưng những nỗ lực của ông đều vô ích. Con voi nặng 4,3 tấn nhanh chóng rượt tới dẫm chết Campbell. Còn Beckworth thì giữ được tính mạng nhưng bị thương nặng.
Sau khi giết người huấn luyện và làm bị thương người chăm sóc của mình, voi Tyke xông ra khỏi sân diễn, chạy lung tung trên đường phố Honolulu trong khoảng nửa giờ. Những gì xảy ra tiếp theo là một nỗ lực hoảng loạn để ngăn nó hại chết bất kỳ ai khác. Sau đó rất nhanh, Tyke bị cảnh sát truy lùng.
Hứng 87 phát đạn, Tyke gần như ngục xuống chết ngay trên đường phố Hawaii. Những người được cử tới dọn xác của con vật cho biết, mắt của Tyke đọng đầy nước mắt.
Thành phố Honolulu đã phẫn nộ trước bi kịch và sớm đề xuất lệnh cấm sử dụng động vật hoang dã trong các buổi biểu diễn trực tiếp. Mặc dù lệnh cấm cuối cùng bị bãi bỏ, nhưng nhiều rạp xiếc ở Hawaii cũng bắt đầu loại bỏ động vật khỏi chương trình biểu diễn của họ. Vào năm 2018, chính phủ Mỹ đã chính thức cấm nhập khẩu động vật hoang dã, bao gồm cả voi, để sử dụng trong rạp xiếc.
Về phía Hawthorn Corporation, họ bị kết tội vi phạm Đạo luật Phúc lợi Động vật vào năm 2004. Hawthorn buộc phải thả những con voi của mình đến những cơ sở nhân đạo hơn - nơi chúng có thể hy vọng được sống yên ổn.