Anh, Pháp triển khai tàu chiến khi căng thẳng leo thang vì tranh chấp đánh cá hậu Brexit

Các tàu chiến của Pháp đã nhanh chóng đổ tới ngoài khơi đảo Jersey vào sáng 6/5, chỉ vài tiếng sau khi một lãnh đạo ngành đánh bắt cá của nước này tuyên bố “sẵn sàng nghênh chiến” và khiến Jersey phải "quỳ gối". 

Chú thích ảnh
Tàu Athos của hải quân Pháp đã lao tới đảo Jersey "với tốc độ tối đa". Ảnh: Daily Mail

Theo tờ DailyExpress, chỉ hơn 1 giờ sau khi hàng chục tàu cá của Pháp bao vây cảng St. Helier trên đảo Jersey, Hải quân Pháp đã cử tàu đến hỗ trợ.

Tàu hiến binh hải quân cỡ nhỏ Athos (A712) đã lao về phía hòn đảo với “tốc độ tối đa”, và cùng đi là tàu tuần tra Le Themis. Theo các dữ liệu theo dõi, các tàu hải quân Pháp áp sát đảo Jersey vào khoảng 10h45 ngày 6/5. Hiện tại tàu của Pháp vẫn dừng lại quan sát từ xa, chưa tiến vào vùng biển của Anh.

Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Anh đã phái hai tàu có quy mô lớn hơn nhiều là HMS Severn và HMS Tamar tới Jersey.

Đảo Jersey là một vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh tại eo biển Manche, ngoài khơi bờ biển Normandy của Pháp. Lãnh thổ này bao gồm hai địa hạt riêng biệt: Guernsey và Jersey. 

Chú thích ảnh
Chiến hạm Anh, HMS Tamar hiện ra phía sau đội tàu đánh cá Pháp vào sáng 6/5. Ảnh: Daily Mail

Các tàu của Anh được trang bị đại bác và súng máy, nhanh chóng tới quần đảo Channel (bao gồm đảo Jersey) sau khi Paris cảnh báo ngày 5/5 rằng họ có thể cắt điện đảo Jersey – vốn phần lớn được cung cấp thông qua cáp dưới biển.

Các trang web theo dõi hàng hải cho biết, tàu HMS Severn đã đến Jersey 'để thực hiện các cuộc tuần tra an ninh hàng hải'. Đó là một tàu tuần tra cũ được trang bị pháo 20 ly và súng máy 7,62 ly. Trong khi đó HMS Tamar, tàu tuần tra trang bị một khẩu pháo 30 ly MK44 Bushmaster, cũng đã đến và được phát hiện thấp thoáng phía sau các tàu nhỏ của Pháp.

Xem video chiến hạm HMS Tamar của Hải quân Anh:

Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đã quyết định triển khai các tàu tuần tra khổng lồ sau khi thông tin tình báo tiết lộ 100 tàu đánh cá sẽ chặn lối vào cảng Saint Helier trên đảo Jersey.

Ông Boris Johnson đang lo lắng theo dõi các diễn biến trong ngày 6/5, trong bối cảnh cử tri Anh tới các phòng bỏ phiếu tham gia cuộc bầu cử địa phương.

Trước đó, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin ngày 5/5 tuyên bố Pháp đã sẵn sàng thực hiện 'các biện pháp trả đũa' – ám chỉ có thể cắt điện, khi 95% điện của đảo Jersey được cung cấp từ Pháp.

Chú thích ảnh
Đường cáp dẫn điện từ Pháp tới đảo Jersey. Ảnh: Daily Mail

David Sellam, người đứng đầu cơ quan quản lý biển Normandy-Brittany của Pháp, nói thêm rằng ông tin rằng Jersey đã bị "chiếm đoạt" bởi một 'nhóm cực đoan muốn giảm khả năng tiếp cận đánh bắt cá của Pháp và thu lợi nhuận từ Brexit'.

Trong khi đó, các nhân chứng tại địa phương đếm được 100 tàu cá của Pháp nhấp nhô sôi động trên cảng St. Helier, các ngư dân Pháp đốt pháo sáng và treo biểu ngữ kêu gọi tiếp cận vùng biển.

Ngư dân đảo Jersey, Josh Dearing cho biết đã vô cùng kinh ngạc trước cảnh tượng ồn ào trên hòn đảo đang ngủ yên. Ông mô tả quang cảnh cảng St. Helier sáng 6/5 'giống như một cuộc xâm lược'.

Video tàu cá Pháp bao vây cảng St. Helier trên đảo Jersey sáng 6/5 (Nguồn: Daily Mail)

Chú thích ảnh
Bản đồ đảo Jersey nằm giữa Anh và Pháp.

Căng thẳng xảy ra giữa Anh và Pháp là bắt nguồn từ việc đảo Jersey thực hiện các yêu cầu mới theo các điều khoản của thoả thuận thương mại Anh-EU sau Brexit. Theo đó các tàu thuyền của Pháp phải nộp bằng chứng về hoạt động đánh bắt trong quá khứ để nhận được giấy phép tiếp tục hoạt động trong vùng biển của đảo.

Tại sao đảo Jersey và Pháp xung đột về quyền đánh bắt cá?

Cho đến ngày 1/1 năm nay, Vương quốc Anh vẫn là đối tượng của Chính sách Thủy sản Chung (CFP) của EU. Điều đó có nghĩa là các đội tàu từ các quốc gia EU có quyền tiếp cận bình đẳng đến Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác.

Các khu vực đặc quyền kinh tế trải dài 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi nước, hoặc đến một nửa đường biển giữa các quốc gia láng giềng. Ngành đánh bắt cá của Anh từ lâu đã phàn nàn rằng thỏa thuận này đồng nghĩa các đội tàu cá của EU đang “cướp bóc” những gì đáng lẽ phải dành cho họ đánh bắt.

Thỏa thuận thương mại hậu Brexit được ký kết giữa Anh và EU trước Giáng sinh năm 2020 đã trao cho các hạm đội EU một thời kỳ chuyển tiếp đối với vùng biển đánh cá của Anh. Hạn ngạch đánh bắt của EU trong các vùng biển của Vương quốc Anh bị giảm 15% trong năm nay và sẽ giảm thêm 2,5 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2026.

Chú thích ảnh
Một tàu cá Pháp đốt pháo sáng trong chiến dịch "uy hiếp" đảo Jersey. Ảnh: DM

Từ năm 2026, về lý thuyết, Vương quốc Anh sẽ có quyền cấm hoàn toàn các đội tàu đánh cá của EU, mặc dù sẽ cần phải có các cuộc đàm phán hàng năm. Điều quan trọng là hiện nay, các tàu của Anh và EU hiện yêu cầu giấy phép để đánh bắt cá trong vùng biển của nhau.

Tranh cãi đã nổ ra về các quy định cụ thể do chính quyền đảo Jersey đưa ra để thực hiện Hiệp định Thương mại và Hợp tác (TCA). Họ yêu cầu các tàu thuyền của Pháp chứng minh rằng họ có lịch sử đánh cá trong vùng biển của Jersey thì mới được cấp phép. Jersey cho rằng đó là điều mà TCA đặt ra. Tuy nhiên, các nhà chức trách Pháp khẳng định 'các biện pháp kỹ thuật mới' này để tiếp cận vùng biển ngoài khơi Quần đảo Channel đã không được thông báo cho EU. Do đó, chúng đã bị 'vô hiệu'. 

Điều gì có thể xảy ra và liệu có dẫn đến chiến tranh?

Anh đã triển khai tàu hải quân tới khu vực, trong khi các tàu cá Pháp bao vây cảng Jersey. Pháp đe doạ cắt điện tới đảo. Những cuộc đối đầu như vậy luôn có nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm và dẫn đến đụng độ thật sự.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ: 80.00 lính Nga vẫn hiện diện dọc biên giới giáp Ukraine
Mỹ: 80.00 lính Nga vẫn hiện diện dọc biên giới giáp Ukraine

Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Nga mới chỉ rút vài nghìn quân khỏi biên giới Ukraine, bất chấp các tín hiệu từ Moskva hồi tháng trước cho rằng họ sẽ chấm dứt tăng cường quân sự ở biên giới nước láng giềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN