Mỹ rút các binh sĩ đầu tiên khỏi Syria, lập 2 căn cứ dã chiến ở biên giới Iraq

Ngày 30/12, phương tiện truyền thông Trung Đông đưa tin nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã rút khỏi miền Bắc Syria, động thái đầu tiên triển khai sắc lệnh rút quân của Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Lực lượng Mỹ sẽ rút hết khỏi Syria. Ảnh: The Daily Star

Kênh truyền hình Press TV dẫn nguồn tin từ người dân tại al-Malikiya, thuộc tỉnh Hasakeh ở Đông Bắc Syria, cho biết khoảng 50 lính Mỹ đã lặng lẽ rời khỏi một căn cứ quân sự tại khu vực này và rút về Iraq. Đi cùng nhóm binh sĩ đầu tiên này là các xe bọc thép và thiết bị quân sự khác.

Theo nguồn tin trên, các đợt rút quân Mỹ khỏi Syria sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Mỹ hiện có khoảng 2.000 quân được bố trí tại 18 căn cứ quân sự trên khắp đất nước Syria. Lầu Năm Góc trước đó cho hay quá trình rút quân sẽ diễn ra trong khoảng 2-3 tháng.

Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ đưa ra quyết định rút hết binh sĩ Mỹ tại Syria về nước, cho rằng tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã bị đánh bại tại quốc gia Trung Đông này. Ngày 23/12, một phát ngôn viên quân đội Mỹ thông báo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã sắc lệnh rút quân nói trên.

Sau tuyên bố rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria, Tổng thống Donald Trump lại gây bất ngờ khi đưa ra quyết định tiếp theo, rút một lượng lớn binh sĩ khỏi chiến trường Afghanistan. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump đang sắp hết kiên nhẫn với cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ, cũng như sự can thiệp quân sự của nước này ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Lính Mỹ tại tổng hành dinh lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Ảnh: Atlantic Council

Các quyết định trên của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới, các nghị sĩ Mỹ cũng như từ các đồng minh của Washington ở Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Đặc phái viên Mỹ phụ trách liên quân chống IS ở Syria và Iraq Brett McGurk đã thông báo từ chức.  

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay trước mắt hầu hết binh sĩ Mỹ sẽ được rút từ Syria sang Iraq. Ngày 25/12, một quan chức Iraq nói rằng quân đội Mỹ đã thiết lập 2 căn cứ quân sự mới ở tỉnh Anbar, miền Tây nước này.

Ông Farhan al-Duleimi, Ủy viên hội đồng lâm thời tỉnh Anbar, xác nhận quân đội Mỹ đã thiết lập 2 căn cứ quân sự dã chiến tại các khu vực không có người ở thuộc tỉnh này. Theo ông al-Duleimi, căn cứ đầu tiên đã được thiết lập ở khu vực Rumana thuộc huyện al-Qaim, giáp biên giới Syria. Căn cứ thứ 2  nằm ở phía Đông thành phố al-Rutbah, cách thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar khoảng 310 km về phía Tây và cách biên giới Syria chưa đầy 100 km.

Việc Mỹ rút quân cũng đang làm thay đổi tình hình trên thực địa tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá Syria. Một tuần sau tuyên bố của Washington, Quân đội Syria đã có những bước tiến mạnh mẽ tại khu vực xung quanh thành phố chiến lược Manbij, phía Bắc Aleppo, đồng thời tiếp tục củng cố các vị trí tại miền Bắc đất nước.

Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd dẫn đầu (SDF) được cho là đang điều động thêm quân lực, vũ khí hướng về Manbij chuẩn bị cho một cuộc đại chiến.

Hơn 8.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và lính Quân đội Syria Tự do (FSA) đã được triển khai tới mặt trận Manbij với mục đích giành quyền kiểm soát thành phố khỏi tay Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Báo Yeni Safak cho biết mục đích ưu tiên trong chiến dịch Manbij là nhằm loại bỏ các mục tiêu PKK.

Video lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Manbij chuẩn bị tấn công dân quân người Kurd: (Nguồn RT)

PKK vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của Mỹ, coi là khủng bố. Tuy nhiên, PKK lại bao gồm đơn vị bảo vệ nhân dân YPG và SDF – hai lực lượng ở Syria được liên minh do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ.

Từ trước đến nay, Ankara luôn công khai các kế hoạch quân sự nhằm vào SDF, song có một điểm mà quân đội nước này phải dè chừng không dám “manh động” chính là lực lượng này được Mỹ hậu thuẫn.

Theo giới phân tích, cộng đồng người Kurd tại miền Bắc Syria giờ đây trở thành lực lượng bị thiệt hại nhiều nhất, đối mặt với nhiều nguy cơ nhất sau khi đồng minh Washington rút quân. SDF có thể sẽ phải đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tàn quân IS và thậm chí cả Quân đội Syria.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tình cảnh trớ trêu của người Kurd ở Syria sau khi Mỹ rút quân
Tình cảnh trớ trêu của người Kurd ở Syria sau khi Mỹ rút quân

Chỉ sau một đêm, giấc mơ thành lập một khu vực tự trị tan vỡ, người Kurd phải lựa chọn giữa việc rút vào vùng núi để sống sót, hoặc ở lại, chờ đợi sự định đoạt của bộ ba Nga-Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN