Tình cảnh trớ trêu của người Kurd ở Syria sau khi Mỹ rút quân

Chỉ sau một đêm, giấc mơ thành lập một khu vực tự trị tan vỡ, người Kurd phải lựa chọn giữa việc rút vào vùng núi để sống sót, hoặc ở lại, chờ đợi sự định đoạt của bộ ba Nga-Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Chiến binh Kurd trong thời kỳ chiến đấu chống IS tại Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters

Các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ trước, nhưng quyết định 'lạnh lùng' của Tổng thống Donald Trump rút ngay lực lượng Mỹ khỏi Syria vẫn khiến người Kurd ở miền bắc Syria choáng váng. Giấc mơ thành lập một khu vực tự trị với sự hậu thuẫn của Washington tan vỡ, người Kurd giờ đây hoang mang lo sợ khi vòng vây của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang khép chặt.

Dân tộc không tổ quốc

Nỗi sợ bị phản bội bởi các cường quốc đã được khắc sâu vào gen của người Kurd. Họ là một trong những dân tộc không tổ quốc lớn nhất thế giới, ra đời từ đống đổ nát của đế chế Ottoman cùng sự thất hứa của những bên chiến thắng trong Thế chiến thứ nhất. Hiệp ước Sefvres năm 1920 hứa hẹn thành lập một Nhà nước của người Kurd, nhưng lời hứa đó bị bỏ rơi trong Hiệp ước Lausanne 3 năm sau.

Bị chia ly ra bốn quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria, kể từ đó, người Kurd đã chiến đấu và hy sinh suốt 100 năm qua để tìm kiếm tự do và một tổ quốc cho riêng mình. Nhưng các thành công của họ luôn ngắn ngủi, mỗi lần khoảng trống mà họ khai thác được lại biến mất. Các đồng minh mạnh mẽ từng hỗ trợ và để người Kurd tin tưởng cuối cùng đều bỏ rơi họ.

Chú thích ảnh
Bản đồ khu vực người Kurd sinh sống (màu cam và đỏ) trải trên lãnh thổ của bốn quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran.

Sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq, người Kurd đã tranh thủ tình hình nhờ được phép thành lập một khu vực liên bang. Rồi tiếp đó, làn sóng biểu tình ở Syria vào năm 2011 lan rộng thành cuộc nội chiến đã tạo ra một khoảng trống ở vùng đông bắc mà người Kurd nhanh chóng lấp đầy. Khi khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nổi lên trong bối cảnh đó vào năm 2014, người Kurd ở cả Iraq và Syria nhanh chóng gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS. Chính cuộc chiến này đã khiến người Kurd dấy lên hy vọng rằng sự trung thành với Mỹ của họ, khi kết thúc chiến tranh, sẽ nhận được sự ủng hộ từ Washington trên con đường hiện thực hóa giấc mơ tổ quốc.

Những tín hiệu cảnh báo

Nhưng kỳ vọng đó đã không thành. Hơn một năm trước, Mỹ từ chối viện trợ cho người Kurd ở Iraq khi lãnh đạo khu vực tự trị người Kurd Iraq, Masoud Barzani, phớt lờ cảnh báo của Washington rằng ông không được tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế nhà nước của người Kurd. Cuộc bỏ phiếu, cùng với những lời cảnh báo từ Mỹ, đã mở đường cho Baghdad chiếm lại các vùng lãnh thổ ở miền bắc Iraq mà người Kurd tuyên bố chủ quyền từ lâu, đẩy lùi khát vọng độc lập của họ hêm nhiều năm trời.

Chú thích ảnh
Cơ sở quân sự Mỹ ở ngoại ô Manbij, Syria. Ảnh: AP

Tín hiệu cảnh báo thứ hai được đưa ra vào năm 2018, khi Mỹ "buông tay" đứng ngoài nhìn các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập thành phố Afrin của người Kurd ở miền bắc Syria, đánh bật tay súng của Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara xếp ngoài vòng pháp luật. 

YPG đã nắm quyền kiểm soát miền bắc Syria từ năm 2012, khi quân Chính phủ Syria phải dồn lực chiến đấu với phiến quân trỗi dậy ở khắp nơi trên cả nước. Thiếu nhân lực, Damascus buộc phải để người Kurd tự do hành động. Trên thực tế, nếu phải lựa chọn, Damascus cũng dễ chấp nhận một YPG theo khuynh hướng thế tục, vốn chỉ nuôi tham vọng với riêng khu vực miền bắc, hơn là phiến quân Hồi giáo đang tìm cách lật đổ cả chế độ của Tổng thống Assad.

Chú thích ảnh
Chiến binh YPG giờ đây đứng trước những lựa chọn khó khăn. Ảnh: AP

Cả chiến binh Peshmerga của ông Barzani ở Iraq và và YPG ở Syria đều trở thành những lực lượng nổi bật và đáng tin cậy trong nỗ lực của liên minh chống IS. Tuy nhiên, người Kurd sẽ không nhận được phần thưởng mà họ cho là mình xứng đáng được hưởng. Với quyết định rút quân khỏi Syria, Washington dường như đã bỏ rơi họ.

Tình cảnh nguy nan 

Người Kurd ở Iraq có lợi thế trong việc kiểm soát một khu vực liên bang có mối quan hệ tốt với Baghdad và có đại diện trong chính quyền trung ương có thể giúp điều tiết chính sách đối với người Kurd. Ngược lại, người Kurd ở Syria bị bao vây bởi kẻ thù là Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Chính phủ Syria, thậm chí chính người Kurd Iraq dưới quyền ông Barzani cũng nhìn họ nghi ngờ.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với YPG? Người Kurd Syria có thể chọn con đường chiến đấu, nhưng địa hình trũng thấp không ủng hộ họ, đặc biệt là khi phải chiến đấu với các quân đội mạnh. Vì thế lúc này, họ có hai lựa chọn khác: Rút vào vùng núi phía bắc Iraq, nơi PKK từ lâu đã có thành trì và là nơi họ có thể sống sót trước hỏa lực từ Thổ Nhĩ Kỳ; hoặc đạt được thỏa thuận với Chính phủ Syria để bảo toàn một số lợi ích từng giành được sau năm 2012.

Chú thích ảnh
Xe bọc thép chở quân của Thổ Nhĩ Kỳ vào tới ngoại ô Manbij, bắc Syria. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, từ mùa hè 2018, YPG đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Damascus, nhưng sớm thất vọng bởi Chính quyền của ông Assad cương quyết không cho họ dù chỉ một mét đất. Nếu các nhà đàm phán người Kurd quay trở lại Damascus ngay bây giờ, họ sẽ thấy một Tổng thống Assad còn ít sẵn sàng thỏa hiệp hơn, bởi thông báo của Washington về việc rút quân vô hình trung càng đặt Damascus vào thế "cửa trên" so với người Kurd. Điều tốt nhất YPG có thể hy vọng là một liên minh với Damascus để ngăn chặn các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã triển khai quân và xe bọc thép đầy Manbij, thủ phủ người Kurd ở miền bắc Syria, ngay khi lính Mỹ còn chưa rút đi.

Video xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ rầm rập tiến về Manbij,thủ phủ người Kurd Syria hôm 28/12:

Không con đường nào dễ chịu cho người Kurd. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn có thể tránh được và điều này phụ thuộc vào Nga - quốc gia nắm giữ hầu hết các quân bài ở Syria để có thể đưa Ankara và Damascus tới bàn đàm phán. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điểm mấu chốt là họ cần một biên giới với Syria không thuộc quyền kiểm soát của YPG / PKK, mà Ankara coi là kẻ thù không đội trời chung. Đối với Damascus, Tổng thống Assad muốn lãnh thổ Syria sạch bóng quân Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập trở lại bộ máy an ninh Syria trên mọi miền đất nước, bao gồm cả khu vực miền bắc của người Kurd. Damascus có thể chấp nhận chung sống với điều kiện người Kurd phải tuân thủ và là đồng minh hữu ích chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các nhà ngoại giao Nga có thể ngăn chặn được tình huống xấu nhất: một cuộc chiến cảm tử của YPG với Thổ Nhĩ Kỳ, dân thường Kurd Syria hoảng loạn dạt sang miền bắc Iraq, và tồi tệ nhất là sự trỗi dậy của tàn quân IS, nhóm khủng bố luôn biết cách khai thác sự hỗn loạn.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Lộ 'lỗ hổng' quân sự của Pháp tại Syria sau khi Mỹ rút quân
Lộ 'lỗ hổng' quân sự của Pháp tại Syria sau khi Mỹ rút quân

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria, các căn cứ Pháp thành lập tại quốc gia Trung Đông này được cho là sẽ sớm không đủ năng lực bảo vệ lực lượng người Kurd như cam kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN