Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, truyền thông Nga đưa tin, Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng không S-400 Triumf, bắn hạ thành công một “mục tiêu đạn đạo giả”, ở cách xa gần 250 km và di chuyển với vận tốc siêu thanh 3km/giây.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm hệ thống phòng thủ S-400 kể từ khi họ nhận được chuyến hàng cuối cùng từ Nga vào tháng 7 năm nay theo hợp đồng vũ khí trị giá tới 3 tỉ USD ký năm 2015.
Vốn đã trang bị hệ thống tên lửa phòng thù S-300 của Nga từ hơn 10 năm nay, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên nhập khẩu hệ thống tên lửa phòng không thế hệ tiếp theo là S-400.
Các chuyên gia cho rằng Nga dường như đã công khai cuộc thử nghiệm nói trên nhằm khẳng định mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh cũng như quảng bá cho hệ thống S-400.
Video quân đội Trung Quốc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 (Nguồn: World News 24h)
Chuyên gia quân sự Li Jie, sống tại Bắc Kinh cho rằng Moskva muốn nhấn mạnh mối quan hệ Nga- Trung trong bối cảnh Mỹ đang “gây sự” với cả hai nước. “Bất chấp sức ép từ Mỹ, quân đội Nga sẽ gia tăng hợp tác với PLA trong các lĩnh vực như tên lửa, đóng tàu và các ngành khác”, ông Lie Jie nhận định.
Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác quân sự trong vòng một thập niên trở lại đây, khi cả hai nước đều cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu với Mỹ.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, cuộc thử nghiệm nói trên là một “chiêu” quảng cáo của quân đội Nga cho hệ thống S-400. “Nhưng rõ ràng là Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã thành thạo trong sử dụng hệ thống phòng không S-400 bởi họ đã quen với thế hệ tiền nhiệm S-300, vốn được Trung Quốc sử dụng từ thập niên 1990”, ông Song nói.
Chuyên gia này cũng nhận xét thêm rằng rất khó để đánh đồng “mục tiêu đạn đạo giả” với các tên lửa siêu thanh thực sự. “Các vũ khí siêu thanh sở hữu những tính năng như khả năng cơ động chẳng hạn, và chúng hầu như không thể đánh chặn vì di chuyển ở vận tốc quá lớn”, chuyên gia Song Zhongping cho biết.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng trị giá 5 tỉ USD với Nga mua 5 hệ thống S-400 khi Tổng thống Putin thăm New Delhi hồi tháng 10 năm nay. Hợp đồng được Ấn Độ quyết tâm ký kết bất chấp những lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Moskva tuyên bố S-400 là hệ thống phòng không tân tiến có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái ở cách xa 600 km, trong phạm vi độ cao từ 10 mét đến 27km. S-400 cũng có khả năng bắn hạ cùng lúc 36 mục tiêu đang di chuyển với tốc độ lên tới 4.800m/giây bằng 72 quả tên lửa không đối đất.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một khách hàng quan trọng của hệ thống phòng không S-400 Triumf. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng bán nợ hệ thống S-400 cho Ankara vào năm 2017. Sự kiện này đã khiến Mỹ nổi giận đe dọa áp đặt trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp cảnh báo từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch mua sắm vũ khí Nga. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, khi S-400 được chuyển giao, vũ khí này sẽ không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ của NATO.
Video quân đội Nga thử S-400:
Tập đoàn Rosoboronexport của Nga đã tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ lên đầu năm 2019. Hai nước cũng thống nhất sẽ chuyển sang dùng các đồng nội tệ để thanh toán hợp đồng thay vì sử dụng đôla Mỹ như trước.
S-400 được Nga triển khai lần đầu tiên năm 2010. Mỗi khẩu đội S-400 có 8 bệ phóng, 1 trung tâm điều khiển, radar và 16 tên lửa dự phòng. Nó được triển khai để bảo vệ không phận Nga và chống lại các tên lửa hay máy bay chiến đấu, trong đó có cả máy bay tàng hình.
Tại Syria, hai hệ thống S-400 của Nga đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia và căn cứ hải quân Tartus.