Mỹ đang thua ở Bắc Cực, trước cả đối thủ thống trị Nga và gương mặt mới Trung Quốc

Chiến lược Bắc Cực mới của Lầu Năm góc là một bước tiến, nhưng không đủ để đối phó với đối thủ "lão làng" Nga, và người chơi mới Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin thị sát vũ khí mới nhất của Nga ở Bắc Cực - tàu phá băng St. Petersberg (trong ảnh là mô hình). Ảnh: AFP/Getty Images

Hai vấn đề toàn cầu quan trọng nhất trong những thập kỷ tới sẽ là sự trở lại của mối quan hệ thù địch giữa các đại cường quốc và tình trạng trầm trọng của biến đổi khí hậu. Và giao lộ của hai xu thế này sẽ nằm ở Bắc Cực, khu vực có tầm quan trọng ngày càng tăng trong tái định hình địa chính trị và địa kinh tế thế giới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngày càng công khai thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới Bắc Cực – một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang huy động nguồn lực để chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới. Nhưng dù Wasington đang phát đi ngôn ngữ của một đối thủ mạnh, hành động của họ vẫn chưa theo kịp lời nói.

Kể từ tháng 1/2019, Lực lượng Hải quân và Tuần duyên Mỹ đã công bố những bản chiến lược Bắc Cực riêng rẽ. Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer kêu gọi tự do hàng hải và tăng cường hiện diện hải quân Mỹ trong khu vực. Tại một cuộc họp hồi tháng 5 của Hội đồng Bắc Cực (bao gồm 8 quốc gia có đường biên giới giáp biển Bắc Băng Dương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các cường quốc đối thủ đang mở rộng xâm nhập vào khu vực. Nhắc đến sự can dự của Trung Quốc, ông Pompeo đặt câu hỏi: “Chúng ta có muốn Bắc Băng Dương biến thành một Biển Đông mới không?”. Và tháng 7 vừa qua, Lầu Năm góc đã công bố Chiến lược Bắc Cực mới, với nhiều sửa đổi phản ánh những thay đổi trong môi trường thế giới kể từ khi văn bản này lần đầu tiên ra mắt năm 2016.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev thăm hang băng ở sông băng Phi công Bắc Cực, nằm trên hòn đảo hẻo lánh Franz Josef Land, vào tháng 3/2017. Ảnh: Sputnik 

Xem Nga khánh thành tàu phá băng năng lượng hạt nhân Ural ở St. Petersburg tháng 5/2019 (Nguồn: RT)

"Cục nam châm" hàng chục ngàn tỉ USD

Không có gì lạ khi Bắc Cực trở thành cục nam châm có sức hút lớn như vậy. Quá trình biến đổi khí hậu đang làm thay đổi khu vực này, và nhờ đó đã mở ra những tuyến đường biển mới, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển. Đường Biển Bắc, vốn chạy dọc theo bờ biển phía Bắc nước Nga, đã rút ngắn hành trình giữa Đông Á và các cảng châu Âu so với những tuyến đường hiện nay. 

Với trên một nửa đường bờ biển toàn Bắc Cực nằm dọc theo bờ biển phía Bắc đất nước, Nga từ lâu đã chiếm vị trí thống trị về kinh tế và quân sự tại khu vực đang ẩn giấu lượng khí đốt và dầu lửa trị giá tới 35 ngàn tỉ USD này, chưa kể đến hàng loạt khoáng chất quý như vàng, bạc, kim cương, đồng, titan, urani và đất hiếm. Khi lớp băng dần tan do biến đổi khí hậu, những nguồn tài nguyên này càng dễ nằm trong tầm với của con người hơn.

Chú thích ảnh
Những hành lang đường biển quan trọng ở Bắc Cực. 

Vì những lý do đó, Bắc Cực đang trở thành một khu vực bận rộn. Nga đã tăng cường các dự án năng lượng và chiếm quyền kiểm soát những tuyến đường biển then chốt. Trong khi đó, dù không có bất cứ đường biên giới nào giáp Bắc Cực, Trung Quốc cũng đang bắt đầu thiết lập hiện diện quân sự và kết nối các hoạt động ở Bắc Cực với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Giới chuyên gia cho rằng khi sự rạn nứt giữa các cường quốc diễn ra mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới, nó sẽ tràn tới Bắc Cực.

Chiến lược Bắc Cực của Mỹ

Các chiến lược gia Mỹ đang nghiên cứu Bắc Cực để hiểu rằng, trong cuộc xung đột, các lực lượng Nga (và tiếp theo là Trung Quốc) có thể đe dọa giới hạn phía Bắc của lục địa Mỹ. Các đối thủ cũng có thể sử dụng các năng lực ở Bắc Cực để can thiệp vào việc triển khai lực lượng Mỹ tới châu Âu hay châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, vấn đề chủ quyền và tự do hàng hải ở Bắc Cực cũng trở nên áp lực hơn khi giao thông đường thủy qua khu vực này đang nhộn nhịp hơn kèm theo lợi ích kinh tế gia tăng.

Những tuyến hàng hải trước đây như Eo biển Bering có thể trở thành một điểm nghẽn, một Vịnh Péc-xích trong tương lai. Ngoài ra, những thay đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng tới dân số, hệ sinh thái và đời sống hoang dã tại Bắc Cực.

Sự hiện diện mạnh mẽ của Nga trong khu vực, cộng với những hoạt động ngày một tăng của Trung Quốc - đã "đánh thức" đối thủ Mỹ về tầm quan trọng chiến lược của mặt trận Bắc cực. Bang Alaska của Mỹ chiếm trên 18% lãnh thổ, nhưng chỉ chiếm 0,3% GDP. Tuy vậy, với Washington, tầm quan trọng của Bắc Cực không nằm nhiều ở giá trị kinh tế mà ở vị trí địa chiến lược nối giữa Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu.

Chú thích ảnh

Binh sĩ Hạm đội Biển Bắc Nga diễn tập quân sự gần Lovozero. Ảnh: TASS/Getty Images
Chú thích ảnh
Tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Mỹ trồi lên sau khi phá xuyên băng ở biển Beaufort, phía bắc Alaska. Ảnh: AP 

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng cách phản ứng trước vấn đề Bắc Cực như đề xuất của Lầu Năm góc là tương đối trực diện và nhạy cảm. Các tài liệu chiến lược quan trọng và các bài diễn văn của giới chức Lầu Năm Góc đều nhấn mạnh rằng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên Mỹ sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc diễn tập trong khu vực.

Nước Mỹ có thể tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải nhằm thách thức Nga và các nước khác tuyên bố chủ quyền ở những nơi mà Washington coi là đường thủy quốc tế; Lực lượng thủy quân lục chiến sẽ chuẩn bị hai lữ đoàn viễn chinh hoạt động trong điều kiện Bắc Cực. Ngoài ra còn có hoạt động hợp tác với các đồng minh nhằm bảo đảm an ninh cho những tuyến đường quan trọng, như khu vực được gọi là Khoảng trống Greeanland-Iceland-Anh và đối phó với thách thức từ các đối thủ của Mỹ.

Đáng chú ý, chiến lược Bắc Cực của Lầu Năm góc cũng rất chú trọng đến việc khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy những quy tắc chung ở các tuyến đường quan trọng nhằm tránh tình trạng xung đột "tổng bằng 0".

Đây là những bước quan trọng trong việc tập trung sự chú ý của Mỹ vào Bắc Cực và bảo vệ lợi ích quốc gia ở đó.

Chú thích ảnh
Dàn khoan dầu chịu được băng Prirazlomnay ở Biển Pechora, Nga. Ảnh: Getty Images

Và những thách thức

Đầu tiên là khoảng cách xa giữa các mục tiêu và tài nguyên. Nga có 14 tàu phá băng, đã xây dựng 6 căn cứ ở Bắc Cực kể từ năm 2013 và đang khôi phục các căn cứ không quân và cơ sở hạ tầng cũ để đưa vào sử dụng trở lại.

Năng lực ở Bắc Cực của Trung Quốc thì yếu hơn nhiều nhưng cũng phát triển nhanh. Trong khi đó, năng lực của Mỹ tại khu vực này đang thiếu trầm trọng. Lực lượng Tuần duyên chỉ có một tàu phá băng hạng nặng và một tàu hạng trung, dù những loại tàu này là không thể thiếu cho các hoạt động ở Bắc Cực. Quốc hội Mỹ gần đây đã phê chuẩn khoản chi 655 triệu USD cho ba chương trình "Cắt băng vì an ninh vùng Cực" mới, trong khi Chính phủ ký hợp đồng chế tạo tàu phá băng hạng nặng mới đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Tất cả đều tốt, nhưng khó mà nói có thể làm hài lòng do đội tàu phá băng cũ kỹ, công suất nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp ở vòng Bắc Cực. Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ cần thêm thời gian và tiền bạc để vượt qua.

Chú thích ảnh
Người dân tham gia lễ hạ thuỷ tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạ nhân Sibir (ở Siberia) tại xưởng đóng tàu Baltic Shipyard ở St. Petersburg tháng 9/2017. Ảnh: Reuters

Thứ hai, có sự căng thẳng không tránh khỏi trong chiến lược của Mỹ, bởi Washington đang đối mặt với những ứng xử "có vấn đề" từ cả đối thủ lẫn đồng minh. Nga đang tăng cường sức mạnh nhằm sở hữu quyền tài phán đối với Tuyến đường Biển Bắc. Nhưng Canada cũng tuyên bố Hàng lang Tây Bắc thuộc lãnh hải của nước này, điều mà Mỹ coi là trái với luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, có một sự bất nhất về một chiến lược cần thiết, một phần do tác động của biến đổi khí hậu và một phần do giới lãnh đạo Mỹ từ chối thừa nhận rằng biến đổi khí hậu do con người tạo ra là một vấn đề. Các đồng minh Bắc Cực của Mỹ nhìn vào khu vực không chỉ đơn giản là một đấu trường cạnh tranh, mà còn như một biểu hiện cho thấy biến đổi khí hậu có thể tàn phá thế giới.

Trong khi đó, Washington về cơ bản đã từ bỏ các nỗ lực đa phương để xử lý vấn đề này. Chính quyền Tổng thống Trump từng gây tranh cãi với lập luận rằng biến đổi khí hậu là "một trò lừa bịp" của Trung Quốc nhằm làm suy yếu sức cạnh tranh của Mỹ. Trên thực tế, việc bỏ qua vấn đề biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ đặt nước Mỹ vào thế bất lợi chiến lược.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Đại chiến Bắc Cực – Kịch bản nào có thể xảy ra
Đại chiến Bắc Cực – Kịch bản nào có thể xảy ra

Băng bao phủ Bắc Cực đang tan chảy, làm “lộ thiên” nhiều tiềm năng kinh tế nhưng đồng thời cũng hình thành cuộc cạnh tranh mới giữa các quốc gia Bắc Cực. Liệu xung đột lợi ích tại khu vực này có dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN