Mỹ chi tiền phát triển thiết bị dò tìm vũ khí siêu thanh

Lầu Năm Góc đã “chọn mặt gửi vàng” hai doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị dò tìm vũ khí siêu thanh. Thời gian qua, Nga và Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh cho công nghệ siêu thanh.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ MiG-31 mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal bay qua Quảng trường Đỏ, Moskva trong cuộc diễu binh năm 2018. Ảnh: AFP

Tờ Newsweek (Mỹ) ngày 27/1 đưa tin Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) trong tháng này thông qua 122 triệu USD cho L3Harris và 155 triệu USD cho Northrop Grumman để công ty này sáng chế cảm biến phát hiện vũ khí siêu thanh từ trên vũ trụ. Dự án này có tên Cảm biến Vũ trụ dò tìm Tên lửa đạn đạo và siêu thanh (HBTSS).

Theo các nhà phân tích, vũ khí siêu thanh mang sức mạnh đáng gờm chưa từng có tiền lệ. Chúng có thể đạt tốc độ hơn Mach 5 – khoảng 6.173 km/h - và sở hữu đường đi khó đánh chặn hơn vũ khí truyền thống. Mỹ hiện tụt lại phía sau Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh. Đặc biệt là Nga đã có bước tiến lớn khi quân đội nước này đã phiên chế hai vũ khí siêu thanh.

Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến tên lửa liên lục địa siêu thanh có tên Avangard. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Avangard có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa và đạt vận tốc gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Bên cạnh đó là tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon có thể đạt tốc độ 9 Mach và tấn công được cả mục tiêu trên biển và trên bộ ở khoảng cách 1.000 km.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc có khả năng qua mặt được hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD).

Lầu Năm Góc hy vọng HBTSS có thể dò tìm vũ khí siêu thanh tốt hơn những cảm biến đang được sử dụng để phát hiện tên lửa đạn đạo. HBTSS dự kiến bao gồm các cảm biến vệ tinh ở tầm quỹ đạo thấp, giúp chúng nhận diện vũ khí siêu thanh tốt hơn.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) khẳng định HBTSS rất cần thiết bởi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ gặp khó khăn đối với vũ khí siêu thanh.

Mỹ cũng đầu tư mạnh tay vào công nghệ vũ khí siêu thanh. Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tăng 23% ngân sách quốc phòng dành cho vũ khí siêu thanh.

Hải quân và Lục quân Mỹ cùng phối hợp phát triển vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới. Loại vũ khí này đã có cuộc bay thử nghiệm thành công đầu tiên vào tháng 3/2020. Không quân Mỹ cũng có dự án siêu thanh riêng với vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay AGM-183A. Không quân Mỹ kỳ vọng đưa AGM-183A vào thử nghiệm từ tháng 10/2021.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 3/4/2019 đã đề cập tới tính cấp thiết của việc phòng vệ trước tên lửa siêu thanh. Hãng Sputnik (Nga) cho biết ông Rood còn đề cập tới thực tế cả Nga và Trung Quốc đều sản xuất nhiều vũ khí phức tạp, trong đó có thiết bị bay siêu thanh (HGV). Cựu quan chức Lầu Năm Góc này đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa khó có thể phát hiện đường bay của vũ khí siêu thanh bởi chúng có khả năng di chuyển trong bầu khí quyển.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mỹ và Australia hợp tác sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh
Mỹ và Australia hợp tác sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh

Australia sẽ bắt tay với Mỹ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc vốn đang sản xuất loại vũ khí tương tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN