Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds xác nhận thông tin này vào ngày 1/12. Bà Linda Reynolds nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lực vượt bậc để lực lượng phòng vệ Australia có thêm lựa chọn khi đối đầu với sự gây hấn chống lại lợi ích của Australia”.
Tuy nhiên, bà Linda Reynolds không tiết lộ chi phí phát triển tên lửa hành trình siêu thanh cũng như thời điểm vũ khí này đi vào hoạt động.
Australia trong năm nay đã dành 6,8 tỷ USD dành cho nghiên cứu hệ thống phòng vệ tên lửa tầm xa, tốc độ cao, bao gồm cả tên lửa siêu thanh. Tên lửa siêu thanh có khả năng đạt vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Bên cạnh đó, đặc tính về tốc độ, tính linh họat và độ cao lớn khiến chúng khó bị phát hiện hoặc đánh chặn.
Năm 2019, Nga đã triển khai tên lửa siêu thanh Avangard. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh tương tự vào năm 2017 nhưng vẫn đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thập niên này có thể đạt khả năng chiến đấu bằng tên lửa siêu thanh.
Vào tháng 7, Australia cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 40% trong 10 năm tới. Động thái diễn ra ở thời điểm Canberra tăng cường quân sự tập trung vào vùng Thái Bình Dương đến Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Việc Australia phối hợp với Mỹ phát triển tên lửa có thể “đổ thêm dầu vào lửa” cho căng thẳng giữa nước này và Trung Quốc. Ngày 1/12, Canberra yêu cầu Bắc Kinh phải xin lỗi sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tải hình ảnh chỉnh sửa binh sĩ Australia kề dao dính máu lên cổ một đứa trẻ Afghanistan.
Trước đó, quan hệ Bắc Kinh-Canberra nảy sinh bất đồng xuất phát từ việc Australia đề nghị điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19. Australia khẳng định rằng cuộc điều tra này không nhắm đến Trung Quốc về mặt chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay sản phẩm của Australia.