Cuộc thử nghiệm đầu tiên được lên kế hoạch diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Kênh RT (Nga) cho biết tên lửa siêu thanh Zircon được coi là một trong những vũ khí tiềm năng nhất đối đầu với nhóm tác chiến tàu sân bay.
Trong những cuộc xung đột diễn ra vài thập niên gần đây, tàu sân bay đã chứng tỏ khả năng. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm thường tốn nhiều chi phí để đóng và bảo trì. Một tàu sân bay năng lượng hạt nhân có thể có chi phí tới 13-14 tỷ USD. Hiện nay chỉ có 9 quốc gia sở hữu loại tàu này.
Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay năng lượng hạt nhân. Trung Quốc tính đến nay có 2 hàng không mẫu hạm mang tên Liêu Ninh và Sơn Đông. Năm 2018, Trung Quốc đã khởi công đóng tàu sân bay thứ 3 với mục tiêu đến năm 2035 nước này sẽ có 6 hàng không mẫu hạm.
Hải quân Anh có 2 tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales, Pháp có 1 tàu là Charles de Gaulle. Ấn Độ cũng có tàu INS Vikramaditya, còn Hải quân Nga chỉ sở hữu tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Hải quân Nga coi nhóm tác chiến tàu sân bay là đối thủ tiềm tàng. Theo truyền thống, chiến hạm, tàu ngầm và chiến đấu cơ được giao nhiệm vụ vô hiệu hóa mối đe dọa từ các tàu sân bay với những cái tên tiềm năng như tàu ngầm dự án 949A trang bị tên lửa P-700 Granit cùng máy bay ném bom Tu-22M3 mang theo tên lửa X-22.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại, các chiến hạm, tàu ngầm và chiến đấu cơ Nga chưa thể tiếp cận đủ gần để phóng tên lửa chống hạm vào tàu sân bay đối thủ. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được hóa giải nhờ tên lửa Zircon.
Theo thông số ban đầu, tên lửa Zircon có phạm vi hoạt động lên tới 1.000km, tốc độ Mach 8 cùng tiết diện radar siêu nhỏ. Tốc độ siêu thanh Mach 8 của Zircon là một lợi thế bởi tàu đối phương có thể bị tấn công trước cả khi phát hiện ra tên lửa này.
Theo các chuyên gia, việc Hải quân Nga sở hữu tên lửa siêu thanh sẽ thay đổi cân bằng sức mạnh trên biển bởi Zircon được cho là tương đương vũ khí hạt nhân chiến lược khi xét về khả năng chiến đấu.