Dẫn lời ba quan chức quốc phòng Mỹ và một quan chức khác biết rõ thỏa thuận mới này, đài truyền hình CNN đưa tin quyết định gia hạn hoạt động tại căn cứ Al Udeid được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực đang phải đối mặt với các mối đe dọa leo thang từ các lực lượng phong trào Hồi giáo ở Iraq, Syria và Yemen.
Hiện Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận về thông tin mà CNN đã đưa.
Căn cứ không quân Al Udeid, nằm ở sa mạc phía Tây Nam Doha, là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và có thể chứa trên 10.000 lính Mỹ. Al Udeid trở thành căn cứ không quân chính của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) vào năm 2003, sau khi Washington chuyển lực lượng và tài sản từ căn cứ Không quân Prince Sultan ở Saudi Arabia sang. Việc một lượng lớn binh sĩ Mỹ hiện diện ở Saudi Arabia lúc đó đã trở nên nhạy cảm và gây tranh cãi. Lực lượng Không quân Qatar và Anh cũng hoạt động từ căn cứ Al Udeid.
Hồi tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm căn cứ Al Udeid và cảm ơn Qatar vì đã chi hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở vật chất cho căn cứ này. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc gia hạn hoạt động tại căn cứ. Thay vào đó, vị quan chức quân sự cấp cao nói rằng Mỹ và Qatar sẽ chính thức thực hiện các bước tiếp theo để mở rộng và củng cố mối quan hệ quốc phòng song phương. Cùng thời điểm, Qatar bị Mỹ chỉ trích khi tiếp nhận các thủ lĩnh cấp cao của Hamas. Các quan chức Qatar lập luận rằng chỉ sau khi có sự đồng thuận của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Hamas mới được phép mở văn phòng chính trị ở Doha.
Mặc dù chưa công khai, song thỏa thuận duy trì hoạt động tại căn cứ Al Udeid đã cho thấy Mỹ phụ thuộc vào quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé Qatar - quốc gia gần đây đóng vai trò then chốt trong việc làm trung gian giải cứu con tin người Mỹ bị bắt giữ ở Gaza và Venezuela.
Sau khi Hamas bắt giữ khoảng 240 con tin từ Israel vào ngày 7/10, Qatar đã trở thành nước trung gian với Hamas để hòa giải việc thả hàng loạt con tin Israel và quốc tế. Qatar tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán nhằm cố gắng khôi phục các cuộc đàm phán về con tin, phối hợp với CIA và cơ quan tình báo Mossad của Israel, cũng như Ai Cập.
Việc Qatar tham gia vào cả hai vòng đàm phán được coi là mở rộng vai trò hòa giải mà nước này đảm nhận với những kẻ thù của Mỹ, bao gồm Iran và Taliban. Các nhà phân tích cho biết nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào, cùng với khả năng đóng vai trò là người điều phối, cho phép Qatar củng cố được tiếng nói của mình.