Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh tới "cái giá khủng khiếp mà người dân Ethiopia phải trả" và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch ở Tigray. Ông yêu cầu các lực lượng vũ trang của Eritrea (quốc gia láng giềng hỗ trợ cho quân đội liên bang Ethiopia trong cuộc chiến ở Tigray) rút quân và yêu cầu tất cả các bên cho phép nối lại các hoạt động viện trợ nhân đạo mà LHQ đã tạm ngưng từ cuối tháng 8 do giao tranh bùng phát trở lại.
Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Ethiopia cho biết nước này đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát các sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở miền Bắc nhằm đối phó các cuộc tấn công của lực lượng ở khu vực Tigray.
Trước sự gia tăng giao tranh gần đây ở Tigray, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự về một thỏa thuận ngừng bắn, một tuần sau khi tuyên bố về các cuộc đàm phán hòa bình được dự kiến tổ chức ở Nam Phi bị hủy bỏ.
Ngày 16/10, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cũng cho biết ông quan ngại sâu sắc trước những báo cáo về sự gia tăng giao tranh ở Tigray, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện".
Hiện chưa có thống kê cụ thể về số người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Tigray. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh dai dẳng từ cuối năm 2020 đến nay đã gây ra một thảm họa nhân đạo, khiến hơn 2 triệu người phải di tản và đẩy hàng trăm nghìn người Ethiopia rơi vào nguy cơ bị đói.
Trong một diễn biến liên quan, hai nguồn tin ngoại giao và nhân đạo cho biết các lực lượng Chính phủ Ethiopia và đồng minh đã chiếm được Shire - một trong những thành phố lớn nhất ở khu vực phía Bắc của Tigray nằm trong tay phiến quân tại khu vực này. Shire cách thủ phủ Mekelle của vùng Tigray khoảng 140 km về phía Tây Bắc và là nơi đón nhận hàng chục nghìn người di tản từ các khu vực khác do xung đột.