Theo dữ liệu của Cục Thống kê Trung ương Israel, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 19,4% trong quý 4 của năm 2023 so với quý 3 cùng năm.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023, tiêu dùng tư nhân tại Israel giảm 26,9%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 42,4%, xuất khẩu giảm 18,3%, đầu tư vào tài sản cố định giảm 67,8%. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ tăng 88,1% do chi phí dành cho cuộc xung đột.
Sự sụt giảm này đánh dấu mức sụt giảm sâu nhất kể từ quý đầu năm 2020, khi nền kinh tế sụt giảm gần 30% do các lệnh phong tỏa liên quan đến đại dịch COVID-19.
Tiến sĩ Nasir Iqbal, Phó giáo sư tại Viện Kinh tế Phát triển Pakistan, cho rằng kinh tế sụt giảm mạnh ở Israel là vì một số yếu tố.
Thứ nhất, cuộc xung đột đang diễn ra đã góp phần làm suy giảm hoạt động kinh tế của Israel. Thứ hai, tác động tâm lý của chiến tranh cũng có ảnh hưởng đáng kể đến việc giảm mô hình tiêu dùng. Ông Iqbal giải thích rằng nếu nhìn vào mô hình chi tiêu và sức khỏe tâm lý của người dân Israel, họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến tâm lý của nền kinh tế và điều đó dẫn đến suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế.
Một yếu tố khác là làn sóng tẩy chay quốc tế đối với hầu hết các sản phẩm do Israel sản xuất và liên kết sản xuất, từ những người coi chiến dịch quân sự của Tel Aviv ở Dải Gaza là tiêu cực.
Tiến sĩ Iqbal lưu ý chiến tranh đã ảnh hưởng lớn đến khoản nợ của Israel vì các ước tính cho thấy xung đột đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 58 tỷ USD cho đến nay.
“Suy giảm hoạt động kinh tế là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của xung đột. Israel đã sử dụng khoảng 58 tỷ USD để trang trải chi phí chiến tranh. Điều này một lần nữa có rất nhiều ý nghĩa đối với hoạt động kinh tế chung của đất nước. Chẳng hạn, chiến tranh có tác động tâm lý đến tinh thần của người dân và làm giảm mô hình tiêu dùng của họ”, ông Iqbal nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh Israel cũng có lợi thế khi tiếp tục cuộc chiến này. Trong đó, Mỹ đã cung cấp cho Israel một số gói viện trợ. Washington và một số nước lớn khác cũng hỗ trợ ngoại giao cho Tel Aviv.
Cuối cùng, Tiến sĩ Iqbal lập luận rằng nền kinh tế Israel đã phải chịu áp lực từ các quốc gia Trung Đông khác đang hợp tác với mình về một số vấn đề kinh tế và các vấn đề khác.
“Một yếu tố quan trọng khác là của cuộc chiến này sẽ tiếp diễn trong khu vực cho đến khi có một giải pháp chung. Vì vậy, cần xem xét những ‘người chơi lớn’ và họ có thể đóng vai trò rất tích cực trong kịch bản này. Họ phải tiến tới và đưa ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến này”, ông cho hay.