Khủng hoảng thừa, tại sao Mỹ vẫn ‘nghiện’ nhập khẩu dầu mỏ từ Nga?

Khủng hoảng trên thị trường có thể là điểm “trong rủi có may” đối với các công ty Mỹ, số đang tận dụng thời điểm này để làm đầy các kho dự trữ một loại tài nguyên quý giá, với mức giá ưu đãi.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới chỉ một tháng trước, các nhà phân tích năng lượng dự đoán các kho chứa dầu sẽ hết chỗ do nhu cầu tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dầu thô đứng ở mức cao. Thế nhưng điều đó vẫn không ngăn được các nhà máy lọc dầu Mỹ mua dầu, trong đó có dầu từ Nga. 

Theo dữ liệu từ các dịch vụ giám sát hàng hải, có 7 tàu chở dầu mang theo 6 triệu thùng dầu từ Nga đang trên đường tới các cảng của Mỹ. Số lượng dầu nhập khẩu này nhiều hơn cả mức 3 triệu thùng Mỹ mua của Nga tại thời điểm cuộc chiến giá dầu bùng phát trong tháng 2. 

Giới phân tích nhìn nhận, các nhà máy lọc dầu tại Mỹ mạo hiểm mua dầu thô tại Nga bất chấp năng lực trữ dầu tại Mỹ gần đạt đỉnh vào tháng 4 bởi lẽ đây là cơ hội tốt để các nhà máy này có được nhiều dầu Urals hơn ở mức giá tốt hơn. 

Nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ được thiết kế để lọc các loại dầu nặng, như dầu siêu nặng của Venezuela hay dầu Urals của Nga, chứ không phải là dầu nhẹ như dầu Brent hay dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI). Tuy nhiên, Mỹ đã tự mình chặt đứt thị trường dầu nặng khi cấm nhập khẩu dầu từ hai nhà sản xuất lớn là Venezuela, Iran, chỉ còn lại Nga là lựa chọn tốt nhất đối với các nhà máy lọc dầu nặng của Mỹ. 

Sau thời điểm Washington áp đặt lệnh cấm, Nga bất ngờ vươn lên thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai vào thị trường Mỹ, chỉ xếp sau Canada. Nguồn cung dầu Urals bị giới hạn tại thời điểm Nhóm OPEC+ ký thỏa thuận ngày 12/4 và có hiệu lực ngày 1/5. Nhưng trong cả tháng 4/2020, khi các nhà máy lọc dầu Mỹ gấp rút mua dầu nặng, việc khai thác không bị giới hạn, hơn thế giá còn ở mức thấp kỉ lục.

Tuy nhiên, khi thỏa thuận của OPEC+ đi vào thực hiện, thặng dư dầu nặng trên thị trường có thể trở lại, với việc giá dầu Urals đã đạt mức 34 USD/thùng. Các công ty năng lượng của Mỹ sẽ phải có mức trữ sản lượng lớn, càng nhiều càng tốt để đề phòng tình huống này. Bằng không, họ sẽ phải trở về với chiến lược quen thuộc là mua dầu mazut từ Nga. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Sputnik)
Nga và Saudi Arabia cam kết ổn định thị trường dầu mỏ
Nga và Saudi Arabia cam kết ổn định thị trường dầu mỏ

Ngày 13/5, Saudi Arabia và Nga đã đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm ổn định thị trường dầu mỏ vốn bị xáo trộn vì khủng hoảng nguồn cầu và cuộc chiến giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN