Trao đổi với hãng CNBC, bà Lagarde nhận định tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mang lại sự bất ổn đối với cả Anh và EU. Theo người đứng đầu IMF, một "Brexit cứng" sẽ là một viễn cảnh tồi tệ nhất.
Bà Lagarde cũng nhận định tình hình thương mại toàn cầu đã cải thiện trong nhiều phương diện, như trường hợp ba nước Mỹ, Mexico và Canada tháng 10 năm ngoái đã đạt được Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trước đó một ngày, phát biểu với báo giới tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) trước thềm lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IMF, Gita Gopinath đã kêu gọi cần lập tức chấm dứt tình trạng thiếu chắc chắn xung quanh vấn đề Brexit, vì tình trạng này đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế Anh, cũng như toàn cầu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, IMF từng cảnh báo rằng một "Brexit cứng" sẽ khiến Anh mất 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Người đứng đầu IMF đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh Brexit rơi vào trạng thái mất phương hướng sau khi thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ với số phiếu phản đối áp đảo trong cuộc bỏ phiếu hôm 15/1 vừa qua.
Thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này bằng các hoạt động đàm phán với các đảng phái khi chỉ còn khoảng 10 tuần trước khi Brexit thực sự diễn ra vào cuối tháng 3 tới.
Ngày 21/1, Thủ tướng May đã trở lại Hạ viện trong sự kỳ vọng sẽ đưa ra "kế hoạch B" thay thế cho thỏa thuận đã bị "khước từ". Tuy nhiên, kế hoạch mới của nữ Thủ tướng Anh bị chỉ trích không có gì khác biệt với kế hoạch thất bại trước đó.