Thế giới tuần: Thủ tướng Anh ‘vượt ải’ bỏ phiếu bất tín nhiệm, Brexit vẫn lâm vào bế tắc

Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với thất bại chưa từng có trong lịch sử hiện đại khi kế hoạch rời Liên minh châu Âu (Brexit) bị phủ quyết là một trong những sự kiện thế giới đáng chú ý trong tuần.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu sau phiên bỏ phiếu tín nhiệm của Hạ viện ở London ngày 16/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/1, trong chuyến thăm thành phố sản xuất đồ gốm Stoke-on-Trent, Thủ tướng Anh May đã đưa ra lời cảnh báo cuối cùng về nguy cơ Anh rời khỏi EU mà không thống nhất được một thỏa thuận nào. Thỏa thuận được đưa ra – một sản phẩm sau hàng tháng đàm phán với những người đồng cấp châu Âu và các phiên thảo luận trong nước – là nhân vật chính trong cuộc bỏ phiếu Quốc hội vào ngày 15/1. Cuộc bỏ phiếu thất bại, cơ hội Brexit “không thỏa thuận” tăng cao.

Theo báo Washington Post, Thủ tướng May thừa nhận thỏa thuận mà bà đề xuất “không hoàn hảo” song bà phản bác rằng những phương án thay thế khác còn tồi tệ hơn.

“Nếu như không đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ không có thời gian thích ứng, không có sự hợp tác an ninh, đảm bảo cho công dân Anh ở nước ngoài, không có một sự chắc chắn nào cho doanh nghiệp và công nhân viên trên khắp nước Anh”, Thủ tướng May nhấn mạnh.

Thứ Ba ngày 15/1, Thủ tướng May phải chứng kiến sự thất bại lớn chưa từng thấy đối với bất kỳ chính phủ nào trong lịch sử hiện đại của nước Anh với 432 nghị sỹ bỏ phiếu chống thỏa thuận và 202 phiếu ủng hộ. Đó còn được coi là một “đòn giáng mạnh”, khi có tới 118 thành viên trong Đảng Bảo thủ của bà tại Hạ viện bỏ phiếu chống.

“Sự kiện tại Quốc hội hôm nay thực sự rất đáng chú ý”, nhà sử học chính trị Đại học Cambridge Luke Blaxill nhận định.

Mặc dù dường như là một khoảnh khắc định mệnh, song điều đó cũng được tiên đoán trước. Kế hoạch của Thủ tướng May không làm vừa lòng những người ủng hộ Brexit cứng rắn trong đảng cũng như bất kỳ ai phản đối việc rời bỏ khối châu lục. Đối với những người này, họ cho rằng tiếp tục là một thành viên trong Brussels rõ ràng là phương án tốt hơn.

Hiện tại, việc Thủ tướng May có thể làm đã không còn quan trọng. “Việc Thủ tướng Theresa May định làm gì sẽ trở nên không cần thiết đối với kết quả chúng ta mong muốn. Vấn đề then chốt ở đây là xem Quốc hội và Công đảng sẽ làm gì tiếp theo”, Giáo sư chính trị Rob Ford làm việc tại Đại học Manchester bày tỏ.

Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbym đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May hôm 16/1. Ý muốn của ông này là lật đổ bà May và khởi động một cuộc tổng tuyển cử mới thay vì thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Cuối cùng, Thủ tướng Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với kết quả sít sao 325-306. Bà May vẫn phải đối mặt với thách thức cực lớn để tìm ra một giải pháp cho Brexit trước thời hạn 29/3 trong bối cảnh giới hoạch định chính sách ở Anh vẫn chia rẽ về hướng đi cho Brexit.

Về phần mình, ngay sau cuộc bỏ phiếu chống thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, quan chức châu Âu đã tập hợp một cuộc họp và khẳng định họ không mở cơ hội cho một vòng đàm phán mới. “Tôi không nghĩ có bất kỳ giải pháp mới nào cần phải được thảo luận khi mà mọi thứ đã được thảo luận xong và thống nhất”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trả lời phỏng vấn phóng viên tại phiên họp Quốc hội châu Âu tại Strasbourg.

Với việc quốc hội Anh không tán thành kế hoạch Brexit, Anh chỉ còn có thể đứng trước 3 kịch bản: rời EU không có thỏa thuận hay còn gọi là phương án Brexit "hỗn loạn", hoặc trưng cầu dân ý lần hai, hoặc từ bỏ ý định rời EU.

Theo các quy định của EU về việc một quốc gia thành viên rời khỏi khối, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận nào nếu quốc hội nước này không thông qua một thỏa thuận với EU hoặc Anh sẽ phải hủy bỏ Điều 50, chọn ở lại lâu dài với EU. Như vậy, có 2 phương án để không dẫn tới kết cục thảm họa Brexit không thỏa thuận: bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận Brexit đã được bà và giới chức EU nhất trí hoặc hủy bỏ Điều khoản 50, thay đổi kết quả trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, Thủ tướng May nhấn mạnh việc thay đổi kết quả trưng cầu ý dân là một sự sai lầm.

Trong một diễn biến liên quan, các quốc gia còn lại trong EU đã bắt đầu rục rịch các biện pháp ứng phó với kịch bản Brexit không có thỏa thuận, trong đó chi hàng triệu USD, tuyển hàng nghìn công nhân và ban hành các quy định khẩn cấp.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ
Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ

Tổng thống Donald Trump đã đơn phương đưa ra một đề xuất thỏa hiệp với đảng Dân chủ nhằm chấm dứt đóng cửa chính phủ. Nhưng bế tắc của ông với phe Dân chủ tại Quốc hội không có vẻ sẽ sớm đi đến một thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN