Kế hoạch mới của Thủ tướng Anh về Brexit: Bằng chứng về sự loay hoay trong bế tắc?

Ngày 21/1, gần một tuần sau khi thỏa thuận đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) được chính phủ đệ trình bị quốc hội bác bỏ với số phiếu áp đảo, Thủ tướng Theresa May trở lại Hạ viện trong sự kỳ vọng sẽ đưa ra "kế hoạch B" thay thế cho thỏa thuận đã bị "khước từ".

Kế hoạch của nữ lãnh đạo Anh là tiếp tục đàm phán với các đảng phái trong nước để tìm ra những điểm đồng thuận chung giúp cứu vãn thỏa thuận cũ và sau đó tìm tới EU để hy vọng vào những nhượng bộ nào đó. Được đánh giá là không có đột phá, nhào nặn lại "kế hoạch A", kế hoạch vừa công bố của bà May là bằng chứng cho thấy chính phủ Anh đang loay hoay không tìm được lối ra giữa mối tơ vò hiện tại. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Theresa May trở lại Hạ viện trong sự kỳ vọng sẽ đưa ra "kế hoạch B" thay thế cho thỏa thuận đã bị "khước từ". Ảnh: AFP/TTXVN

 

10 tuần trước thời hạn Brexit chính thức diễn ra (vào cuối tháng 3), vẫn chưa có thỏa thuận nào nhận được sự ủng hộ tại London, chưa ai chắc chắn nước Anh sẽ "ra đi" như thế nào và thậm chí là liệu có nên ra đi hay không. Trên hầu khắp các mặt báo, kịch bản như Brexit không thỏa thuận hay cuộc trưng cầu ý dân lần 2 để hủy bỏ Brexit vẫn là những viễn cảnh được đặt ra cho nước Anh.

Giữa đám sương mù ấy, Thủ tướng May bước lên trước các nghị sĩ tại Hạ viện và cho biết hiện chưa có phương án thay thế nào được thông qua, Chính phủ Anh sẽ không loại trừ khả năng Brexit không thỏa thuận và EU sẽ không nhất trí trì hoãn thời hạn Brexit nếu London không trở lại Brussels với  một kế hoạch trong tay.

Bà giải thích rõ phương án không thỏa thuận chỉ được loại bỏ bằng hai cách. Một là hủy bỏ điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon và đảo ngược hoàn toàn tiến trình Brexit, trả lại một EU nguyên vẹn, hai là tìm ra một thỏa thuận được tất cả các bên chấp thuận. Cách thứ nhất yêu cầu một cuộc trưng cầu ý dân lần 2, và theo bà May điều này sẽ chỉ giúp củng cố âm mưu chia rẽ nước Anh, làm lung lay niềm tin vào nền dân chủ và phá hỏng gắn kết xã hội.

Con đường thứ 2 là điều mà Chính phủ Anh đang nỗ lực để thực hiện. Bà cam kết sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ các nghị sĩ quốc hội để thay đổi điều khoản "rào chắn" vốn gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit mà chính phủ đã đạt được với EU.

Ngoài ra, bà May cũng cam kết sẽ tham vấn với các nghị sĩ, các nghiệp đoàn thương mại, tổ chức kinh doanh để có được tinh thần đồng thuận lớn nhất về mối quan hệ giữa Anh với EU trong tương lai. Động thái này được cho là chuyển biến đáng chú ý bởi sau khi thỏa thuận bị bác bỏ hôm 15/1, bà đã tổ chức các cuộc thảo luận liên đảng để bàn về hướng đi tiếp theo, tuy nhiên tại các cuộc họp này, bà bị các nghị sĩ đối lập chỉ trích là "không chịu lắng nghe".

Như vậy, Thủ tướng Anh một lần nữa khẳng định sẽ tập trung để giành được sự ủng hộ từ Hạ viện Anh cho một thỏa thuận Brexit. Trong phát biểu của mình, bà nhắc tới việc sẽ làm việc với các đảng phái, trong đó có đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của vùng Bắc Ireland về điều khoản "rào chắn".

Điều này cho thấy bà May đang nhắm tới mục tiêu thu hút sự ủng hộ từ chính phủ Bảo thủ và đảng đối tác DUP để cứu vãn thỏa thuận Brexit, vốn đã bị Hạ viện bác bỏ với số phiếu chênh lệch cao nhất trong lịch sử Anh hiện đại. Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, trưởng nhóm nghiên cứu châu Âu thuộc đảng Bảo thủ cho rằng nếu điều khoản "rào chắn" được dỡ bỏ thì hầu hết các ý kiến phản đối từ phía đảng cầm quyền sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của bà May được cho là "phi thường" khi vừa phải thuyết phục EU mở lại tiến trình đàm phán, vừa phải đảm bảo đủ thay đổi cần thiết để có phương án mới thuyết phục được ít nhất 115 nghị sĩ chuyển sang ủng hộ thỏa thuận. 

Khó khăn ngay lập tức nổi lên từ chính trong nội bộ đảng Bảo thủ. Những người ủng hộ Brexit "cứng" trong đảng Bảo thủ phản đối ý tưởng này bởi việc chấm dứt điều khoản "rào chắn" không phải chỉ do Anh quyết định khi EU liên tục khẳng định điều khoản này là không thể đàm phán lại. Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã nêu rất rõ EU sẵn sàng xem xét lại bản tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ Anh-EU, nhưng phần thỏa thuận Brexit thì đã là bản tốt nhất có thể.

Trong khi đó, các đảng đối lập chỉ trích Thủ tướng May không muốn chấp nhận sự thực rằng thỏa thuận của bà đã bị loại bỏ. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng bà May dù bề ngoài chấp nhận nhưng thực chất vẫn đang tìm cách phủ nhận thất bại vừa qua tại Hạ viện. Đại diện tổ chức doanh nghiệp vận động hành lang CBI Carolyn Fairbairn tỏ ra thất vọng vì Thủ tướng May không đưa ra được hướng đi rõ ràng.

Chính trị gia người Đức Udo Bullman, lãnh đạo phe xã hội trong Nghị viện châu Âu, thì cho rằng nỗ lực thay đổi điều khoản "rào chắn' sẽ chỉ làm lãng phí thời gian. Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của nước này Michael Roth  cũng đều bày tỏ sự thất vọng với kế hoạch sửa chữa thỏa thuận hiện tại vì Thủ tướng May không chỉ ra được hướng đi rõ ràng.

Dự kiến, cuộc tranh luận và bỏ phiếu vòng tiếp theo tại Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit sẽ diễn ra vào ngày 29/1. Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Anh thừa nhận việc kiểm soát tiến trình Brexit không chỉ nằm trong tay bà mà các nghị sĩ có thể sửa đổi kế hoạch Brexit khi thỏa thuận này được mang ra bỏ phiếu tại Hạ viện lần tiếp tới.

Đây được cho là cơ hội cho phe ủng hộ Brexit mềm, trong đó có lãnh đạo Công đảng đối lập, nhằm thúc đẩy các giải pháp ngăn chặn kịch bản không thỏa thuận. Trong đó có các hướng đi như  muốn có mối quan hệ kinh tế thân thiết với EU, Anh ở lại liên minh thuế quan vĩnh viễn với EU hoặc một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2. 

Có thể nói những điều Thủ tướng May nhắc tới trong bài phát biểu được mong chờ tại Hạ viện không thể hiện được một sự thay đổi rõ rệt để có thể khai thông những bế tắc hiện tại. Bà vẫn muốn tháo gỡ từ nút thắt là điều khoản "rào chắn" vốn gây nhiều tranh cãi. Điều khoản này cho phép Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ở lại liên minh thuế quan trong đó vùng Bắc Ireland sẽ duy trì mối quan hệ gần gũi hơn với EU và ở lại thị trường chung để tránh thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland, một kịch bản được cho là sẽ dẫn tới tái diễn xung đột ở vùng lãnh thổ này liên quan vấn đề qui chế vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong giai đoạn 1968-1998. 

Để thay đổi điều khoản này, đòi hỏi rất nhiều công sức và không khác nào một canh bạc, bởi xoay quanh điều khoản này luôn là những ý kiến trái chiều. Phe ủng hộ Brexit thì lo ngại điều khoản "rào chắn" sẽ khiến Anh mắc kẹt mãi mãi trong qui định của EU và vì thế không thể tách ra tự do thương mại như mong muốn của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Trong khi đó, phe ủng hộ EU thì chỉ trích giới hạn đỏ của bà May về việc phải đưa Anh ra khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung sẽ khiến Brexit xảy ra mà không có thỏa thuận, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế thứ 5 thế giới.

DUP, đảng đối tác của đảng cầm quyền, lại lo lắng điều khoản này sẽ khiến vùng lãnh thổ này ngày càng bị đẩy xa ra khỏi toàn bộ Vương quốc liên hiệp Anh. Không những thế, khả năng thuyết phục được EU đồng ý với những thay đổi trong điều khoản này lại càng khó hơn.

Tương lai vẫn mù mịt khi nhìn lại quá khứ chiến lược tìm kiếm sự nhượng bộ từ EU vốn đã từng được bà May vận dụng, nhưng thu về vẫn là một thất bại "cay đắng".

Lê Ánh (TTXVN)
Thủ tướng Anh tiết lộ kế hoạch mới nhằm 'hồi sinh' thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh tiết lộ kế hoạch mới nhằm 'hồi sinh' thỏa thuận Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21/1 đã khởi động một nỗ lực mới nhằm "hồi sinh" thỏa thuận Brexit vừa bị hạ viện bác bỏ, qua đó vạch ra đường hướng để nhận được sự phê chuẩn của quốc hội đối với văn bản này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN