Phát biểu tại cuộc họp về năng lượng diễn ra theo hình thức trực tuyến ở thủ đô Rabat của Maroc, ông Birol nêu rõ: "Mỗi nhà sản xuất dầu mỏ có trách nhiệm bơm thêm dầu ra thị trường". Ông cho biết IEA sẽ xả thêm dầu từ các kho dự trữ nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Hồi đầu tháng này, các thành viên IEA nhất trí “xả” 62 triệu thùng dầu dự trữ để đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung. Ông Birol cho biết đây là phản ứng ban đầu và con số này chỉ chiếm 4% kho dự trữ của IEA. Theo ông, IEA có thể “bơm” thêm dầu cho các thị trường nếu cần thiết.
Giá dầu thế giới tăng cao sau khi Nga - nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, kéo theo việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, làm dấy lên nguy cơ nguồn cung dầu mỏ toàn cầu bị gián đoạn.
Việc Nga và Ukraine tiến hành vòng đàm phán hòa bình thứ tư là một trong những yếu tố khiến giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm nhẹ trong ngày 14/3. Cụ thể, giá dầu WTI đã giảm gần 5,1% xuống 103,8 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent giảm 4% xuống 108,13 USD/thùng.
Theo nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank Carsten Fritsch, giá dầu thế giới đang giảm nhờ những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán diễn ra vào cuối tuần qua giữa các đại diện của Nga và Ukraine, làm tăng hy vọng về tái lập quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, các lệnh phong tỏa mà Trung Quốc áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở một số thành phố có thể cũng góp phần làm giảm nhu cầu về dầu mỏ.